Đánh giá MSI Stealth A16 AI+: Đối thủ của MacBook Pro 16 inch
(Dân trí) - MSI Stealth A16 AI+ cạnh tranh trực tiếp với một số sản phẩm trong cùng phân khúc như MacBook Pro 16 inch, Lenovo Gaming Legion 7 hay Asus ROG Zephyrus G16.
+ Ưu điểm:
- Thiết kế chắc chắn, cứng cáp.
- Hiệu suất mạnh, hỗ trợ nhiều tính năng AI.
- Màn hình đẹp.
+ Hạn chế:
- Hiệu suất bị giảm nhẹ khi không cắm sạc.
- Chất lượng loa trung bình.
+ Lời khuyên từ Biên tập viên Sức mạnh số:
Xét trong phân khúc laptop cao cấp, MSI Stealth A16 AI+ mang lại trải nghiệm tương đối hoàn thiện, từ thiết kế, màn hình cho tới hiệu suất. Mẫu máy này hướng tới đối tượng game thủ và các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, cần một thiết bị hiệu suất cao và có thể đáp ứng yêu cầu công việc nặng.
Với mức giá hơn 70 triệu đồng, MSI Stealth A16 AI+ chắc chắn không phải một sản phẩm dễ tiếp cận hay phù hợp với số đông người dùng phổ thông. Tuy vậy, nếu bạn có ngân sách dư dả và cần một thiết bị có hiệu suất mạnh mẽ, thiết kế cứng cáp và mang lại trải nghiệm sử dụng cân đối, đây vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Thiết kế
Khác với đa số máy laptop gaming trên thị trường, ngoại hình tổng thể của MSI Stealth A16 AI+ khá trung tính. Thiết kế này giúp cho người dùng có thể sử dụng máy trong nhiều môi trường khác nhau, không chỉ phù hợp để giải trí mà còn làm việc.
Phần thân máy được hoàn thiện từ hợp kim nhôm magie, giúp cho khối lượng thiết bị không quá nặng trong khi vẫn đảm bảo sự chắc chắn, cứng cáp. Chất lượng hoàn thiện sản phẩm tốt, không có chi tiết thừa, không xuất hiện tiếng cót két hay tình trạng cong vênh khi tác động lực vào thân máy.
Máy có độ dày 19,95mm cùng trọng lượng 2,1kg. Xét trên vai trò của một thiết bị hiệu năng cao, đây được xem là một kích thước tương đối gọn gàng. So với các đối thủ trong cùng phân khúc, MacBook Pro M4 phiên bản 16 inch có trọng lượng 2,16kg, Lenovo Gaming Legion 7 có trọng lượng 2,5kg hay Dell Alienware M16 R1 có trọng lượng 3,2kg.
Phần bản lề của máy được thiết kế dạng dài khá chắc chắn, không bị lung lay trong quá trình sử dụng. Bản lề cũng có thể dễ dàng mở bằng một tay và cho phép mở tối đa 180 độ.
Máy được trang bị bàn phím dạng full size với hai khu vực tương đối khác biệt. Phần bàn phím chính được bố trí với các phím bấm có khoảng cách rộng, mang lại cảm giác gõ tốt, hành trình phím sâu. Tuy nhiên, khu vực bàn phím số lại có thiết kế tương đối hẹp ngang, khoảng cách giữa các phím ngắn nên người dùng sẽ cần phải làm quen để tránh bấm nhầm.
Khu vực bàn di chuột có kích thước lớn, được phủ kính nên mang lại trải nghiệm vuốt chạm mượt mà. Bàn di chuột cũng được hoàn thiện chắc chắn không tạo ra tiếng lạch cạch khi chạm.
Cổng kết nối và loa
Về số lượng cổng kết nối, máy được trang bị 1 cổng USB-C, 2 cổng USB-A 3.2 Gen 2, 1 cổng HDMI 2.1 và 1 cổng mạng RJ45. Số lượng cổng kết nối trên không nhiều, nhưng đủ để đáp ứng các nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Tuy vậy, một điểm hạn chế là máy không hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ SD. Nếu được trang bị khe cắm thẻ nhớ SD, máy sẽ phục vụ tốt hơn cho nhóm người dùng làm việc các công việc liên quan đến chỉnh sửa hình ảnh, video.
MSI Stealth A16 AI+ được trang bị hệ thống 6 loa, trong đó có 2 loa con và 4 loa trầm. Âm lượng của hệ thống loa này ở mức vừa phải, không quá lớn. Khả năng tái tạo chi tiết âm thanh cũng khá tốt.
Tuy nhiên, âm trầm trên hệ thống loa này vẫn tương đối yếu, đồng thời chưa tạo ra được hiệu ứng âm thanh nổi khi sử dụng. Xét trong phân khúc laptop cao cấp khi các nhà sản xuất đều cố gắng hoàn thiện sản phẩm ở mức tốt nhất, đây là điểm hạn chế mà MSI sẽ cần cải thiện trên thế hệ tiếp theo.
Màn hình
Màn hình của máy có kích thước 16 inch, độ phân giải 4K (3.840 x 2.400 pixel), tỷ lệ 16:10 cùng tần số quét 120Hz. Màn hình này sử dụng tấm nền MiniLED có độ sáng cao 1.000 nit, có thể dễ dàng sử dụng ở môi trường ngoài trời. So với màn hình OLED, tấm nền MiniLED khắc phục được hạn chế về độ sáng, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng hiển thị tốt, góc nhìn rộng và màu đen sâu.
Với điều kiện thông thường, người dùng chỉ cần điều chỉnh độ sáng ở khoảng 60-70% là có thể sử dụng thoải mái khi làm việc trong nhà. Ngoài ra, màn hình cũng tích hợp một lớp phủ mờ giúp hạn chế tình trạng lóa sáng khi có ánh sáng bên ngoài chiếu vào.
Màn hình của máy cũng đạt 100% dải màu DCI-P3 và đã được cân chỉnh sẵn ngay khi xuất xưởng. Điều này cho phép người dùng có thể sử dụng thiết bị để xử lý các công việc chuyên nghiệp như chỉnh sửa hình ảnh và video.
Tần số quét 120Hz là vừa đủ với những nhu cầu làm việc, giải trí hoặc chơi các tựa game AAA. Tuy vậy, một số sản phẩm khác trong cùng phân khúc được trang bị màn hình OLED với tần số quét cao lên tới 240Hz. Tần số quét cao hơn sẽ đáp ứng tốt hơn cho những người dùng thường xuyên chơi các tựa game fps.
Đánh đổi lại, các tấm nền OLED chỉ có độ phân giải đạt mức 2.5K, phù hợp với nhu cầu giải trí. Trong khi đó, tấm nền MiniLED 4K sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu làm việc, đặc biệt là các công việc liên quan đến xử lý đồ họa.
Hiệu suất và tính năng AI
MSI Stealth A16 AI+ được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen AI 9 HX 370, RAM 32GB chuẩn LPDDR5x cùng bộ nhớ SSD dung lượng 2TB. Hiện tại, đây là con chip cao cấp nhất của AMD được trang bị trên laptop. Bộ xử lý này cho phép thiết bị có thể đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng của người dùng, từ chơi game nặng cho đến chỉnh sửa video 4K.
Tuy nhiên, con chip này vẫn gặp phải tình trạng giảm hiệu suất khi không cắm sạc. Thử nghiệm với một số phần mềm chấm điểm hiệu năng như Cinebench 2024 và Geekbench 6, hiệu suất CPU giảm khoảng 10-20% khi không cắm sạc.
Đây là hạn chế chung trên đa số laptop sử dụng bộ xử lý được sản xuất theo kiến trúc x86 ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, con chip này vẫn là một bộ xử lý hiệu suất cao nên người dùng gần như cảm thấy được sự khác biệt trong quá trình sử dụng thực tế. Tuy nhiên khi xử lý các tác vụ nặng, người dùng vẫn nên ưu tiên cắm sạc pin để thiết bị có thể phát huy tối đa hiệu suất.
Máy cũng tích hợp card đồ họa rời Nvidia RTX 4070. Thử nghiệm với tựa game "Black Myth: Wukong" (một trong những trò chơi AAA đồ họa khủng nhất ở thời điểm hiện tại), máy có thể mang lại trải nghiệm ổn định ở 66fps với mức thiết lập đồ họa cao cùng độ phân giải 4K.
Trong quá trình chơi game, máy hoạt động tương đối yên tĩnh, tiếng quạt không quá ồn hay gây ra cảm giác khó chịu. Khu vực nóng nhất sẽ tập trung ở phần thoát khí phía trên bàn phím và các khe tản nhiệt ở xung quanh cạnh máy.
Hệ thống tản nhiệt của máy hoạt động khá hiệu quả và cho phép thiết bị có thể duy trì hiệu suất ổn định khi xử lý các tác vụ nặng trong thời gian dài. Ngoài ra, thiết bị cũng hỗ trợ chế độ Cooler Boost để kích hoạt tốc độ quạt tối đa. Lúc này, nhiệt độ của máy sẽ giảm nhanh hơn, nhưng đánh đổi lại tiếng ồn phát ra từ quạt cũng lớn hơn.
Với việc sử dụng con chip AMD Ryzen AI 9 HX 370, máy cũng đạt chuẩn Copilot+ PC của Microsoft. Theo đó, những thiết bị đạt chuẩn Copilot+ PC sẽ được trang bị hàng loạt tính năng AI như tính năng Recall giúp người dùng tìm kiếm thông tin đã xem trên máy tính, Cocreator cho phép tạo hình ảnh AI hay Live Captions hỗ trợ dịch ngôn ngữ.
Ngoài ra, chế độ MSI AI Engine trong MSI Center sẽ cho phép máy tự động điều chỉnh hiệu suất tối ưu theo từng tác vụ sử dụng.
Viên pin đi kèm theo máy có dung lượng 99,9Whr. Điểm cộng là con chip AMD quản lý năng lượng khá tốt. Thử nghiệm để máy ở chế độ chờ qua đêm trong khoảng thời gian 10 giờ liên tục, thiết bị chỉ giảm 1% dung lượng pin.
Ở mức thiết lập màn hình có độ sáng 70% và hiệu suất cân bằng, máy cho thời gian sử dụng pin khoảng 5 giờ liên tục với các tác vụ bao gồm duyệt web, chỉnh sửa văn bản và xem video trực tuyến. Nếu sử dụng các tác vụ nặng hơn như chơi game hay chỉnh sửa video, thời lượng sử dụng pin sẽ giảm xuống nhanh hơn.
Tổng kết
MSI Stealth A16 AI+ được bán ra tại thị trường Việt Nam với mức giá 72,49 triệu đồng. Máy cạnh tranh trực tiếp với một số sản phẩm trong cùng phân khúc giá như MacBook Pro 16 inch, Lenovo Gaming Legion 7 hay Asus ROG Zephyrus G16.
Với mức giá hơn 70 triệu đồng, MSI Stealth A16 AI+ chắc chắn không phải một sản phẩm dễ tiếp cận hay phù hợp với số đông người dùng phổ thông. Thiết bị này hướng tới đối tượng game thủ và các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, cần một thiết bị có hiệu suất mạnh mẽ, thiết kế cứng cáp và mang lại trải nghiệm sử dụng cân đối.