Đằng sau ánh hào quang của nghề ngồi chơi game kiếm tiền tỷ
(Dân trí) - Bỗng nhiên trở nên nổi tiếng không thua kém gì các ngôi sao bóng đá và thường xuyên nhận được các khoản hậu đãi rất cao, liệu làm game thủ chuyên nghiệp có thực sự dễ dàng đến vậy?
e-Sport là ngành thể thao của tương lai
Trong bối cảnh các trò chơi điện tử ngày nay có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp giải trí không thua kém gì một môn thể thao chuyên nghiệp, thì nghề "game thủ chuyên nghiệp" đang cho thấy sức hút mạnh mẽ của mình.
Thật vậy, doanh thu từ e-Sport dự kiến sẽ tăng lên hơn 900 triệu USD trong năm nay do hợp đồng được ký kết giữa các kênh truyền hình như ESPN, cho đến các dịch vụ truyền trực tuyến như Twitch của Amazon với các đội tuyển và giải đấu e-Sport. Các chuyên gia thì từ lâu đã dự đoán rằng thể thao điện tử (hay còn gọi là e-Sport) sẽ sớm vượt qua các giải đấu thể thao truyền thống bao gồm cả NBA hay MLB vào năm 2020.
Dù với công việc chính chỉ là "chơi và chơi", nhưng các nhóm game thủ có trình độ cao thường xuyên tham gia trong các giải đấu tầm cỡ khu vực đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng giới trẻ, trở nên nổi tiếng không thua kém gì các ngôi sao bóng đá, cũng như thường xuyên nhận được các khoản hậu đãi rất cao.
Tại Mỹ, các game thủ chuyên nghiệp thậm chí sở hữu trợ cấp y tế, có bậc "lương hưu" (để hỗ trợ sau khi giải nghệ), có chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên thể lực,... dù chỉ phục vụ cho một mục đích đó là chơi game từ 8-10 tiếng/ngày.
Đa số những game thủ này cũng thường xuyên stream màn hình chơi game của mình lên các dịch vụ như YouTube hay Twitch với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người theo dõi để từ đó tăng thêm tầm nổi tiếng và nguồn thu nhập khổng lồ.
Nhiều game thủ cho biết rằng họ dễ dàng kiếm thu nhập lên tới 6 con số (hàng trăm ngàn USD) bên cạnh giải thưởng nhận được từ các giải đấu nếu họ thực sự lưu tâm tới chăm chút cộng đồng và hình ảnh cá nhân.
Những ảo tưởng về một game thủ chuyên nghiệp
Trái với ánh hào quang khi giành giải thưởng và nhận số tiền lớn, Daniel "dhaK" Martinez, một game thủ chuyên nghiệp của đội San Francisco Shock - 1 trong 12 đội tuyển tham gia giải đấu Overwatch League tại Mỹ cho biết: "Những bài tập đôi khi rất mệt mỏi và thực sự đòi hỏi bạn phải nghiêm túc".
Martinez kể rằng trong một ngày bình thường, anh và các đồng đội luyện tập trong khoảng 2 tiếng, và chia ra khoảng 2-3 lần mỗi ngày. Đây là những bài tập đối kháng trực tiếp, nhằm hoàn thiện kỹ năng cá nhân và thử nghiệm các chiến thuật mới.
Rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ, có suy nghĩ khá đơn giản về nghề game thủ chuyên nghiệp, rằng chỉ cần ngồi chơi suốt ngày, mà vẫn có thể kiếm ra tiền. Tuy nhiên trên thực tế, Jacob "Jake" Lyon - người đang chơi cho đội Houston Outlaws, khẳng định game thủ chuyên nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và thực sự "khổ luyện", đôi khi ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần.
Như cá nhân Jacob từng "vật lộn" với những cơn đau cổ tay rất nặng vì thường xuyên tập luyện với bàn phím và chuột trong thời gian dài. Jacob buộc phải đeo găng tay cố định trong lúc ngủ, và phải cậy tới bác sỹ tâm lý để giảm căng thẳng.
"Đó chắc chắn không phải là điều tôi nghĩ tới hồi còn 21 tuổi," anh cười.
Scandal luôn "rình rập"
"Cảm giác thật lạ lùng khi bạn biết rằng đang có cả chục ngàn người hâm mộ đang theo dõi bạn chơi game", Jacob Lyon chia sẻ. Điều này theo anh, đòi hỏi trách nhiệm học tập và hoàn thiện bản thân để trở thành hình mẫu, thành tấm gương cho giới trẻ.
"Công việc này chắc chắn đòi hỏi rất nhiều trách nhiệm cá nhân," Martinez của đội San Francisco Shock nói. "Có rất nhiều người hâm mộ là trẻ nhỏ đang theo dõi, vì vậy bạn phải cẩn thận trong lời nói trong cách xử lý tình huống - đặc biệt là khi bạn đang phát trực tuyến."
Tuy nhiên cũng giống như các vận động viên thể thao chuyên nghiệp, thì nghề game thủ cũng khiến các game thủ thường xuyên phải đối mặt scandal nếu họ không cảnh giác và tỉnh táo.
Rất nhiều game thủ dù đạt tới trình độ cao và nổi tiếng đã bị giám sát đặc biệt bởi hành vi không phù hợp trong các trận đấu, cũng như đối với các đồng đội của mình. Gần đây nhất phải kể tới scandal đình chỉ vĩnh viễn dành cho game thủ Jonathan "DreamKazper" Sanchez thuộc đội Boston Uprising về hành vi tình dục sai trái liên quan tới vị thành niên.
Nhiều game thủ khác như Félix "xQc" Lengyel cũng đã phải ngậm ngùi chia tay giải đấu và sự nghiệp của mình sau một cuộc tranh cãi với những từ ngữ không phù hợp với một người chơi khác.
Tại Hàn Quốc, cũng có không ít game thủ chịu lệnh cấm tham gia tất cả các giải đấu vì có hành vi không phù hợp, như dàn xếp tỷ số, "cày" điểm xếp hạng thuê cho các game thủ nghiệp dư khác, hay thậm chí là để lộ chiến thuật của đội chơi.
Tuy nhiên ngay cả khi những game thủ này "rời cuộc chơi", thì họ vẫn có thể tiếp tục kiếm tiền từ việc stream và kinh doanh thương hiệu cá nhân - thứ được họ tạo dựng từ nhiều năm dưới vai trò một game thủ chuyên nghiệp.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI