Đảm bảo an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu hàng đầu trong thời đại số
(Dân trí) - Việt Nam ghi nhận có trên 3 triệu cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Trong đó, có khoảng 156 tổ chức và 306 website của các tổ chức chính phủ bị tấn công.
Sáng 2/12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020. Với chủ đề: "An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam - Yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia", đây được xem là một trong những diễn đàn hàng đầu, nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày ATTT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước; đồng thời hướng đến đạt 100% vào đầu năm 2021. "Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Đây là tự hào Việt Nam. Chúng ta rất đáng tự hào về điều này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng khẳng định sứ mệnh của an toàn - an ninh mạng tại Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. "Cường quốc an ninh mạng thì cũng như cường quốc quân sự. Công nghiệp an ninh mạng thì cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì cũng phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng".
Dựa trên báo cáo của của các tổ chức phân tích như IDC, Gartner, McKinsey trong năm 2020, mặc dù thị trường toàn cầu và nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng thị trường công nghệ - đầu tư CNTT vẫn giữ được mức độ tăng trưởng, đặc biệt là an toàn an ninh mạng tăng 10%.
Tuy nhiên theo các con số thống kê, thời gian qua đã liên tục có các vụ tấn công mạng lớn trên toàn cầu. Năm 2017, có 5.1 Petabytes dữ liệu big data bị lộ. Năm 2019, công ty năng lượng Anh đã bị phising lừa đảo 243.000 USD. Năm 2020 có 2.3 triệu bản ghi của Antheus (Brazil) bị lộ lọt. Trong năm nay, cũng có tới 500.000 thông tin tài khoản Zoom bị rao bán trên mạng.
Tại Việt Nam trong năm vừa qua, có trên 3 triệu cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Trong đó, có khoảng 156 tổ chức và 306 website của các tổ chức chính phủ bị tấn công. Có 4 chiến dịch tấn công phising lớn vào tất cả các ngân hàng với khoảng 26.000 người dùng ngân hàng bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty an ninh mạng Viettel khẳng định những công nghệ mới tạo ra nguồn năng lượng lớn cho chuyển đổi số, nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra nhiều thách thức mới về an toàn thông tin.
"Chuyển đổi số là thay đổi, mà thay đổi thì sẽ gặp rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên chính là an toàn thông tin. Do đó, nếu như chúng ta không có sự chuẩn bị về an toàn thông tin, chúng ta sẽ không dám đưa dữ liệu lên mạng, và như vậy sẽ là rào cản cho chuyển đổi số", ông Hải cho biết, đồng thời khẳng định "an toàn thông tin phải là ưu tiên hàng đầu, phải là một phần trong chuyển đổi số, phải nhúng vào chuyển đổi số".
Theo ông Lương Tuấn Thành, Phó Chủ tịch cao cấp, Giám đốc công nghệ CMC, các giải pháp công nghệ được đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là các giải pháp an ninh mạng về network, 5G và các giải pháp an ninh mạng nội bộ của doanh nghiệp, cùng với đó là các giải pháp về tự động hóa.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thì cho biết, tự chủ công nghệ về sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT sẽ là giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Việt Nam.
"Năm 2015, nước ta chỉ có khoảng 5% sản phẩm nội địa ATTT, đến nay, tỷ lệ này đã đạt 91% và hướng tới 100% vào năm 2021", ông Phúc cho biết.
Theo các con số thống kê, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa về ATTT so với sản phẩm nước ngoài đã tăng từ 18% vào năm 2015, lên 39% vào năm 2019, dự kiến đến cuối năm sẽ là 45%.
Những kết quả này đều cho thấy sự lớn mạnh của một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ an toàn - an ninh mạng Make in Việt Nam, và là tiền đề căn bản để biến Việt Nam thành một cường quốc an ninh mạng.