(Dân trí) - Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc đã rót hàng chục tỷ USD để xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động và đóng góp lớn vào kinh tế Việt Nam.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc đã rót hàng chục tỷ USD để xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động và đóng góp lớn vào kinh tế Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 29 tỷ USD.
Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 và nhanh chóng trở thành đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 4 năm nay, tổng vốn đầu tư các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 81,52 tỷ USD, với hơn 9.600 dự án.
Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở Việt Nam. Tập đoàn này đang vận hành 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM và một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, với tổng giá trị đầu tư lên tới 20 tỷ USD.
Tháng 3/2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam được thành lập tại Bắc Ninh với mức đầu tư ban đầu 670 triệu USD. Những năm sau đó, Samsung tiếp tục xây dựng thêm 2 nhà máy là Samsung SDI Việt Nam (2009) và Samsung Display Vietnam (2014) với số vốn lên đến 2,5 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Sau 15 năm, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này vào các nhà máy ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh đã tăng lên hơn 9,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.
Tháng 3/2013, Samsung khởi công nhà máy tại Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký ban đầu là 2 tỷ USD. Đến nay, số vốn đầu tư của Samsung cho các dự án tại Thái Nguyên đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.
Trong năm 2022, báo cáo tài chính cho thấy tập đoàn này đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 39%, đạt trên 43 tỷ USD. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Năm ngoái, Samsung Thái Nguyên tiếp tục là nhà máy có doanh thu cao nhất ở Việt Nam của ông lớn Hàn Quốc với gần 28 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 và lợi nhuận cũng tăng 18% lên gần 2,1 tỷ USD.
Bên cạnh Samsung, một tập đoàn công nghệ lớn khác của Hàn Quốc là LG cũng đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995.
LG hiện có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy của hãng tại Việt Nam. Trong khi đó, các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.
LG khởi đầu với một nhà máy tại Hưng Yên. Tuy vậy, sau nhiều năm mở rộng đầu tư, Hải Phòng mới được xem là "cứ điểm" tại Việt Nam của tập đoàn này. Hiện nay, LG đã đầu tư vào Hải Phòng khoảng 8,24 tỷ USD, bao gồm 7 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Năm 2022, các doanh nghiệp của LG xuất khẩu 12,4 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động trong và ngoài thành phố.
Không quá nổi bật như Samsung hay LG, nhưng Hyosung cũng là một gã khổng lồ công nghiệp của Hàn Quốc. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1966, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, máy móc công nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại và xây dựng.
Các sản phẩm chính của doanh nghiệp thường là nguyên liệu sản xuất phục vụ các nhà sản xuất lớn như Michelin, Adidas, Nike, Puma... Hyosung đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, với nhà máy sản xuất Tire Cord đầu tiên tại Đồng Nai.
Tiếp đó, Hyosung đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam và liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới như Spandex (2008), Steel Cord (2010), Technical Yarn (2012)…
Đến nay, tập đoàn hiện diện ở khắp 3 miền với hàng loạt dự án tại Vũng Tàu, Quảng Nam và Bắc Ninh. Số vốn đầu tư của Hyosung đã lên đến 3,5 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho 10.000 lao động tại Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm hồi cuối tháng 6 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Chey Taewon, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn SK, chia sẻ hiện tại, có hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam và đang kinh doanh tốt.
Thời gian tới, theo ông, cần có những chính sách để đối phó với biến đổi khí hậu, đóng góp cho phát triển, bảo vệ môi trường.
"Việt Nam và Hàn Quốc đã vượt qua những lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng ra các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), môi trường, tăng trưởng xanh. Hàn Quốc đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam và tiềm năng phát triển", ông Chey Taewon nói.
Hàn Quốc cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Masan, đồng thời xúc tiến đầu tư 1,3 tỷ USD về năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, công nghiệp xanh. Trong quá trình đó, Hàn Quốc mong muốn đồng hành, chuyển giao công nghiệp để đóng góp vào kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết rất xúc động, đồng thời thay mặt Chính phủ, cơ quan Bộ ngành, cám ơn các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp rất nhiều cho mối quan hệ giữa hai nước.
"Vừa qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng sau sự kiện này, quan hệ hai nước đi vào thực chất, chiều sâu", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam cũng đã thay đổi cơ bản. GDP đạt hơn 400 tỷ USD, thương mại hai chiều đạt 132 tỷ USD, nằm trong top 20 toàn cầu. Việt Nam đang thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng cơ sở hạ tầng, về đào tạo nguồn nhân lực và về thể chế, mà vấn đề trung tâm, xuyên suốt là con người.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh vào đổi mới sáng tạo, giảm rác thải, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Theo Thủ tướng, trong quá trình đổi mới rất cần sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định rất muốn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc về phát triển chiến lược, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, ông Jae Yong Lee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, cho biết trong vòng 6 tháng qua, đây là lần thứ hai ông có dịp gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
"Mỗi lần tôi đến Việt Nam đều ngạc nhiên với sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Samsung và các doanh nghiệp Hàn Quốc vô cùng vinh dự khi được đồng hành trong sự phát triển của Việt Nam", ông Jae Yong Lee nói.
Theo chủ tịch Samsung, sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển, thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hòa Lạc, đồng thời cam kết hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Cũng tại tọa đàm, ông Kwang Mo Koo, Chủ tịch Tập đoàn LG, nhìn nhận thời gian qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã có những hợp tác và phát huy được những giá trị, ưu thế của nhau. Trong phát triển những chính sách mũi nhọn, hai bên đều có nhiều chính sách thúc đẩy toàn diện.
Hiện tại, LG lựa chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất quy mô lớn. Trong thời gian qua, tập đoàn đến từ Hàn Quốc đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác, cùng sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam và công ty Việt Nam.
Không lâu sau buổi tọa đàm, Tập đoàn LG đã công bố "rót" thêm 1 tỷ USD vào nhà máy ở Hải Phòng để xây dựng nhà máy sản xuất mô-đun camera xuất khẩu, tạo thêm 2.600 việc làm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các hiệp hội doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có những đóng góp đột phá, mang lại lợi ích cho sự phát triển của hai nước. Thủ tướng hy vọng hai bên tiếp tục xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài, hướng tới giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
"Tôi mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục có đột phá, cùng nhau có kết quả tăng gấp 2-3 lần những năm tới. Chính phủ Việt Nam, các cấp các ngành và người dân Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc", Thủ tướng khẳng định.