Cuộc đua công nghệ 5G: Nhà mạng hào hứng, người dùng thờ ơ

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Trong khi các nhà mạng và đơn vị công nghệ đang thúc đẩy việc triển khai mạng 5G càng sớm càng tốt thì nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn tỏ ra thờ ơ vì cho rằng mạng 4G hiện tại hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu về Internet.

Với sự gia tăng vượt bậc của người dùng điện thoại di động và sự lên ngôi của smartphone, mạng di động đã và đang trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày với người dân.

Việt Nam chứng kiến sự mở rộng của mạng 4G và 5G, cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn, ổn định hơn và cơ hội tiếp cận nội dung trực tuyến đa dạng, thúc đẩy sự gia tăng của các ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử.

Trong đó, 5G được các chuyên gia đánh giá là công nghệ tiên tiến nhất, kế thừa và phát triển hơn so với mạng 4G. Nhờ đó mà tốc độ tải xuống nhanh, truyền phát dữ liệu mượt mà hơn. Lợi thế mà mạng 5G mang lại không chỉ về tốc độ mà sẽ mở ra những ứng dụng hoàn toàn mới, tạo ra cuộc cách mạng lớn trong tương lai, phục vụ tốt hơn nhu cầu từ người dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống hiện đại, chuẩn mực.

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng MobiFone, Viettel, Vinaphone tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các doanh nghiệp gấp rút đầu tư hạ tầng mạng lưới, nghiên cứu và phát triển dịch vụ, sản phẩm số ứng dụng 5G một cách có hiệu quả. Người dùng bước đầu được trải nghiệm một số dịch vụ nội dung trên 5G như video 4K, 8K, live streaming.

Cuộc đua công nghệ 5G: Nhà mạng hào hứng, người dùng thờ ơ - 1

5G được đánh giá là công nghệ tiên tiến (Ảnh: freepik).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi so sánh với mạng 4G, người dùng vẫn chưa thấy có quá nhiều điểm vượt trội. Cuộc khảo sát mới nhất từ Canalys cho thấy người dùng nói chung quan tâm nhiều hơn đến các tính năng khác như thời lượng pin và dung lượng lưu trữ thay vì tốc độ mạng mà 5G mang lại. Tốc độ của mạng 5G không chênh lệch quá nhiều so với mạng 4G do độ phủ sóng của 5G vẫn còn hạn chế.

Ở các thị trường Đông Nam Á, nơi đã triển khai 5G nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu của người tiêu dùng đối với điện thoại thông minh 5G đang bắt đầu giảm dần. Năm 2022, số lượng thiết bị 5G đã giảm 7% xuống còn 24,5 triệu, theo Financial Times.

Tại Việt Nam, bên cạnh yếu tố tốc độ đường truyền chưa có nhiều điểm khác biệt thì chi phí cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến người dùng chưa muốn nâng cấp lên mạng 5G.

Chi phí cho các thiết bị ứng dụng 5G ở mức khá cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Chẳng hạn, các dòng điện thoại của hãng Apple hỗ trợ 5G mới chỉ dừng ở mẫu iPhone 13, 14, 15, với giá bán thấp nhất từ 14,7 triệu đồng. Trong khi đó, hầu hết các dòng điện thoại khác của hãng đều sử dụng được mạng 4G với giá bán chỉ từ 5 triệu đồng. Các hãng khác cũng xác nhận rằng điện thoại 5G khi sản xuất ra sẽ đắt hơn bình thường, nguyên nhân do các linh phụ kiện như bộ vi xử lý, ăng ten… làm giá thành đội lên.

Cuộc đua công nghệ 5G: Nhà mạng hào hứng, người dùng thờ ơ - 2

4G vẫn đủ mạnh là một trong những lý do khiến nhiều người cảm thấy mạng 5G chưa cần thiết (Ảnh: KT).

Việc chuyển đổi từ công nghệ 4G sang 5G tạo ra khối lượng lớn kết nối từ nhiều thiết bị, điểm truy cập hơn, kéo theo nhiều vấn đề về tội phạm không gian mạng, rò rỉ dữ liệu cá nhân cũng là lý do khiến người dùng dè chừng.

Bên cạnh đó, mức độ phủ của các trạm thu, phát sóng 5G tại Việt Nam còn tương đối thấp, dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng tối đa của công nghệ này. Mục tiêu phát triển 5G không chỉ là nâng cao năng lực băng thông rộng của các mạng di động mà còn cung cấp kết nối vô tuyến chất lượng cao phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, phát triển các ứng dụng theo thời gian thực, thực tế tăng cường, tự động hóa sản xuất...

Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, công nghệ 5G được cho là phù hợp hơn với các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đối với người dùng cá nhân, mạng 4G hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu về kết nối mạng trong cuộc sống hàng ngày.

Trong tương lai, 5G vẫn sẽ là công nghệ chủ chốt, hướng tới nâng cao trải nghiệm và tạo ra nhiều giá trị cho người dùng. Để hoàn thành mục tiêu nâng tỷ trọng người dùng và thương mại hóa 5G tại Việt Nam cần đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc phát triển hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng tích hợp công nghệ 5G.

Bên cạnh đó là phát triển đồng bộ hạ tầng mạng lưới, sản xuất thiết bị để mọi người dùng đều có thể tiếp cận với công nghệ này. Mục tiêu tới năm 2025 cơ bản phủ sóng 5G tại các tỉnh, thành phố lớn và 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2030.