1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

“Cuộc chiến” chống hãng công nghệ Trung Quốc của ông Trump sẽ phản tác dụng

(Dân trí) - Chính quyền tổng thống Donald Trump đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn nhằm vào các hãng công nghệ Trung Quốc, nhưng theo các nhà phân tích, động thái này sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho chính phía Mỹ.

Chính quyền Trump đã tăng cường các chiến dịch nhằm gây thiệt hại cho các công ty công nghệ Trung Quốc, mở rộng trọng tâm từ Huawei, 5G sang các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok và Wechat. Những động thái này rõ ràng được đề ra để đánh lạc hướng các vấn đề cấp bách khác trong nội bộ nước Mỹ và gây khó khăn cho các hãng công nghệ Trung Quốc, tạo lợi thế cho nước Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, chiến lược chống lại các hãng công nghệ Trung Quốc của chính quyền Trump là một hành động liều lĩnh và sai lầm. Điều này sẽ sớm phản tác dụng.

“Cuộc chiến” chống hãng công nghệ Trung Quốc của ông Trump sẽ phản tác dụng - 1

“Cuộc chiến” chống các hãng công nghệ Trung Quốc của tổng thống Trump sẽ gây ra tác dụng ngược so với mục đích ban đầu?

Đầu tiên, nó sẽ phá hủy sự thống trị của Mỹ trong ngành bán dẫn toàn cầu, vì các công ty sản xuất chip của Mỹ hiện đang xuất khẩu khoảng 90% sản phẩm của mình sang các quốc gia Đông Á, trong đó có Trung Quốc.

Nó cũng sẽ làm giảm cơ hội bán phần cứng, phần mềm và ứng dụng của các doanh nghiệp Mỹ cho các khách hàng lớn, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Huawei đã chi 18,7 tỷ USD để mua linh kiện từ các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn việc làm của người Mỹ cũng đang bị đe dọa bởi các hành động chống lại Huawei của chính quyền tổng thống Trump, trong bối cảnh thất nghiệp đang tràn lan do dịch bệnh.

Việc cắt nguồn cung cấp cho Huawei từ các công ty công nghệ Mỹ có thể nhằm gây tổn hại cho hãng công nghệ Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về mặt dài hạn, điều này có thể khiến Huawei còn trở nên mạnh mẽ hơn. Trong một báo cáo được công bố gần đây của CSIS - tổ chức tư vấn Mỹ đã chỉ ra rằng: lệnh cấm vận lâu dài từ chính phủ Mỹ sẽ thúc đẩy Huawei và các công ty khác của Trung Quốc hướng tới khả năng tự lực hơn.

Nghiên cứu của công ty tư vấn Boston Consulting Group cho thấy, trong dài hạn, lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ với Huawei và các công ty Trung Quốc sẽ làm giảm doanh thu của các nhà sản xuất chip Mỹ xuống 37% và làm giảm thị phần toàn cầu của họ xuống 30%, trong khi điều này lại góp phần thúc đẩy thị phần của các công ty sản xuất chip Trung Quốc.

Quan trọng nhất, chiến dịch của chính quyền Trump chống lại các hãng công nghệ Trung Quốc có thể ngăn nước Mỹ đạt được mục tiêu thực sự họ đã tuyên bố là thiết lập vị trí hàng đầu trong phát triển mạng 5G.

Cơ hội để chính quyền tổng thống Trump đạt được mục tiêu này đã được đưa ra vào năm ngoái, khi nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đề nghị cung cấp phép công nghệ 5G của Huawei cho các công ty Mỹ. Với giấy phép này, các công ty tại Mỹ sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ danh mục sáng chế 5G của Huawei, bao gồm mã nguồn phần mềm, thiết kế phần cứng và công nghệ liên quan đến sản xuất, lập kế hoạch mạng và kiểm nghiệm. Các công ty Mỹ nắm bằng sáng chế của Huawei có thể sản xuất và vận hành các mạng 5G tiên tiến hàng đầu mà không phải lo ngại về bảo mật. Đề nghị của Huawei cũng cho phép chính phủ Mỹ có thể chỉ định bất kỳ công ty nào tham gia hợp tác với Huawei.

Lời đề nghị của Huawei có thể giúp Mỹ triển khai mạng 5G một cách nhanh chóng và đưa quốc gia này dẫn đầu về công nghệ mạng 5G.

Đây được xem là động thái “xuống nước” được Huawei đưa ra để tránh lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ ban hành vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, lời đề nghị của Huawei đã bị chính phủ Mỹ khước từ, sau đó đưa Huawei vào “danh sách đen” và áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Hiện tại, nỗ lực phát triển mạng 5G của Mỹ hầu như chỉ dựa vào hai nhà cung cấp Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), khi các công ty viễn thông của Mỹ từ lâu đã không tập trung vào việc phát triển công nghệ mạng 5G.