Cục Viễn thông: “Chụp ảnh thuê bao di động là tạo điều kiện cho nhà mạng và người dân”
(Dân trí) - Nói về việc tất cả mọi thuê bao di động đều phải bổ sung thông tin để hoàn tất thủ tục đăng kí thông tin thuê bao di động, trong đó có việc chụp ảnh chân dung, Cục Viễn thông cho hay quy định này đang tạo điều kiện cho nhà mạng thay vì phải sử dụng dấu vân tay như các nước trên thế giới.
Theo Nghị định 49 sửa đổi của Chính phủ, tất cả người dùng thuê bao di động đều bổ sung thông tin để hoàn tất thủ tục đăng kí thông tin thuê bao di động. Trong đó có yêu cầu những thuê bao không có ảnh chụp cần đi bổ sung ngay, tránh việc bị khóa sau khi nhận thông báo.
Nói về quy định mới này, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều coi trọng và có nhiều quy định quản lý nghiêm ngặt thuê bao di động.
Theo bà Mơ, tại các nước phát triển, như Mỹ, Đức, Nhật đều đã có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử. Do đó, mỗi khi người dùng đăng ký thông tin thuê bao thì đều phải xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.
Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Bangladesh, dưới sức ép của công cuộc chống khủng bố và đảm bảo an ninh quốc gia, gần đây các nước này đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay để đăng ký thông tin thuê bao di động.
Đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh, việc quản lý thông tin thuê bao cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể, như dấu vân tay, ảnh chân dung, để xác định giao dịch là có thật. Bà Mơ cho rằng, bởi vì ảnh chụp giấy tờ tuỳ thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể bị làm giả, có thể lấy của người này gắn với người khác mà rất khó kiểm soát.
Bà Mơ cho hay các nhà mạng sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các thuê bao có thông tin sai với quy định tại Nghị định để đến đăng ký lại, trong đó có việc chụp ảnh chân dung. Với các thuê bao di động trả trước mà nhà mạng xác nhận có cơ sở là thông tin chính xác thì không cần đăng ký lại, nhưng vẫn bổ sung ảnh chụp và các thông tin cần thiết khác. Cục Viễn thông nhấn mạnh, các doanh nghiệp viễn thông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.
“So với yêu cầu lấy vân tay như của một số nước thì quy định chụp ảnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều vì việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn so với việc chụp ảnh”, bà Mơ cho biết.
Theo Cục Viễn thông, các doanh nghiệp có thể sử dụng điện thoại thông minh, iPad, Webcam, hoặc camera phù hợp.
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4 và trong vòng 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Theo Nghị định 49, những thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4 phải cam kết thực hiện đầy đủ các thông tin đăng ký được quy định theo khoản 5, Điều 15 của nghị định 25/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Nghị định này.
Đối với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.
Khôi Linh