Covid-19 có thể thành động lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp Việt

Đình Nam

(Dân trí) - Dịch bệnh kéo dài gây ra không ít khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, song đây cũng trở thành động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, từ đó giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Đông Nam Á được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Nhận định này được đưa ra dựa vào các xu hướng kinh tế vĩ mô dài hạn như nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, quá trình đô thị hóa với tốc độ cao và sự thay đổi của công nghệ.

Covid-19 có thể thành động lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp Việt - 1

Chuyển đổi số được xem là động lực mới thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Những luồng gió thuận lợi trên kết hợp cùng sự chuyển dịch nhanh chóng sang nhu cầu mua sắm trực tuyến, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát, đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nhằm thích ứng và đón đầu nhu cầu của khách hàng. Trên đây là những nhận định được tổng hợp bởi KKR, một trong những công ty quản lý quỹ vốn tư nhân lớn nhất Mỹ.

Trong khi đó, ông Cao Trọng Kim Trí, Phó Tổng Giám đốc Citigo, đơn vị sở hữu giải pháp hỗ trợ bán hàng KiotViet, cho rằng Covid-19 rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế. Ông lấy ví dụ nhóm khách hàng chính của KiotViet là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do yêu cầu giãn cách xã hội nên rất nhiều trong số đó không kinh doanh được.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng vẫn có những ngành hàng lại tận dụng cơ hội để phát triển mạnh. Đó là lý do mà trong đợt dịch này, KiotViet vẫn có khoảng 3.000 - 5.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ.

"Trong hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu của khách hàng trong việc chuyển đổi số vẫn luôn có. Thậm chí lúc bình thường, họ mải mê với công việc kinh doanh hiện tại, nhưng khi dịch bệnh ập đến là lúc họ có thời gian để xem xét lại việc kinh doanh, tìm các phần mềm hỗ trợ, công cụ bán hàng", ông Trí nói thêm.

Nhìn nhận một cách tích cực, ông Trí cho rằng dịch bệnh Covid-19 có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn. Thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ tài chính cho cả người bán hàng và mua hàng tăng mạnh thời gian này. Khi dịch bệnh qua đi, thói quen đó không mất đi mà ngược lại sẽ vẫn duy trì vì mọi người đã tiếp cận và thấy được lợi ích của nó.

Việt Nam chuyển mình trong quá trình chuyển đổi số

Dưới góc độ của các nhà đầu tư quốc tế, KKR đánh giá Việt Nam là thị trường tăng trưởng bùng nổ và đầy năng động với dân số trẻ, nhóm khách hàng trung lưu gia tăng và người dùng ưu tiên các dịch vụ kỹ thuật số.

Nền kinh tế Internet tại Việt Nam năm 2020 dự kiến đạt 14 tỷ USD và tăng lên ước tính 52 tỷ USD vào năm 2025. Những con số này phần nào phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của đất nước khi chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế kỹ thuật số.

Covid-19 có thể thành động lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp Việt - 2

Chuyển đổi số tại Việt Nam cần đẩy mạnh trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quá trình chuyển đổi số trên có thể không quá nhiều khó khăn đối với các công ty lớn nhưng hơn 40% nền kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) - nhóm hiếm khi có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để bắt tay vào chuyển đổi số. Do đó, thách thức đặt ra là cần có các giải pháp dễ tiếp cận với MSME.

Theo số liệu của KiotViet thì trước đây, tốc độ chuyển đổi số của Philippines cao hơn Việt Nam, tuy nhiên nước bạn rơi vào giai đoạn đi ngang khá lâu. Nước ta xuất phát chậm hơn khá nhiều nhưng tốc độ tốt và có thể nói quá trình chuyển đối số đã tương đương Philippines.

Trong khi đó, Singapore bứt lên ở nhóm trên, Indonesia là trường hợp đột biến trong khu vực, dù đi không quá sớm nhưng tốc độ rất nhanh do có nguồn tiền đầu tư vào mảng công nghệ rất nhiều.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, lãnh đạo KiotViet cho rằng cần có sự chung tay từ nhiều cấp. Đầu tiên có thể thấy Chính phủ thời gian gần đây rất ủng hộ, từ việc khuyến khích chuyển đổi số nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Covid-19 có thể thành động lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp Việt - 3

Khách hàng Việt bắt đầu dịch chuyển sang dùng phần mềm bản quyền, dù tỉ lệ này chưa cao.

Trên phương diện các doanh nghiệp, ông Trí cho rằng các doanh nghiệp Việt nên phát triển các sản phẩm cho thị trường Việt thay vì đơn thuần đi gia công. Đứng từ phía góc độ KiotViet, đến nay đã dùng sức và trí của người Việt để tạo ra giải pháp đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, tương lai vươn ra quốc tế.

Khách hàng Việt được đánh giá đầy tiềm năng khi sẵn sàng tiếp cận các sản phẩm mới. Song song với đó là những thách thức, có thể kể đến như tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền ở nước ta còn cao. Tuy nhiên ông Trí cho rằng điều này có thể sớm thay đổi trong tương lai.

Trước đó, KiotViet đã nhận khoản đầu tư 45 triệu USD từ KKR và các đối tác trong vòng Series B. Với nguồn lực mới, startup này lên kế hoạch mở rộng và cung cấp ra thị trường các dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), hỗ trợ người bán tìm được nguồn hàng mới với giá cạnh tranh. Ngoài ra, KiotViet còn dự định cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán kỹ thuật số và cho vay thương mại.

KiotViet ra đời năm 2014, cung cấp pháp quản lý cho doanh nghiệp MSME với các dịch vụ như quản lý bán hàng-POS, quản trị hàng tồn kho, quản lý khách hàng (CRM) và quản lý nhân viên. Hiện có hơn 110.000 doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ, giải pháp của KiotViet.