Công ty Trung Quốc bị cảnh sát phong tỏa gian hàng tại CES vì sản phẩm nhái
(Dân trí) - Một sự việc hy hữu đã xảy ra tại triển lãm công nghệ CES năm nay khi một gian hàng trưng bày của công ty đến từ Trung Quốc đã bị cảnh sát Mỹ phong tỏa và thu hồi sản phẩm vì cáo buộc sao chép và vi phạm bằng sáng chế.
Sự việc xảy ra vào tối thứ 5 vừa qua, khi hai cảnh sát Liên bang đã có mặt tại triển lãm công nghệ CES 2016 đang diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ) để tịch thu toàn bộ sản phẩm, tờ rơi và bảng quảng cáo tại gian hàng trưng bày của công ty Changzhou First International Trade, một công ty công nghệ có Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thường Châu.
Sự việc xảy ra khá bất ngờ khiến các nhân viên của công ty này không kịp xử lý và rơi vào tình trạng hết sức bối rối. Các nhân viên người Trung Quốc tại gian hàng trưng bày này đã không thể trả lời các câu hỏi của cảnh sát, dù chỉ là những câu hỏi tiếng Anh đơn giản nhất.
Trước khi sự việc xảy ra, Changzhou First International Trade đã có một ngày tuyệt vời tại CES với lượng người tấp nập ghé thăm gian hàng trưng bày tấm ván trượt điện tử tự cân bằng của hãng, Trotter. Thay vì sở hữu 2 bánh xe như nhiều mẫu ván trượt tự thăng bằng thường thấy, chiếc ván trượt Trotter này có thiết kế đặc biệt với chỉ một bánh xe lớn ở chính giữa.
Được biết nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ đơn kiện của Future Motion, một công ty khởi nghiệp có trụ sở Silicon Valley. Công ty này khẳng định rằng mình đã phát minh và nắm giữ bản quyền sáng chế ván trượt điện tử với kiểu dáng rất giống Trotter. Future Motion đã gửi các nhân viên pháp lý của mình đi cùng các cảnh sát để giám sát quá trình phong tỏa, thu hồi sản phẩm của Changzhou First International Trade tại CES.
Onewheel, chiếc ván trượt tự thăng bằng của Future Motion mà công ty này cáo buộc Changzhou First International Trade đã sao chép là sản phẩm của nhà thiết kế Kyle Doerksen. Doerksen đã trưng bày ván trượt Onewheel tại CES 2014 và kêu gọi vốn từ cộng đồng được số tiền 630.000 để phát triển dự án của mình. Kyle Doersken sau đó thành lập công ty Future Motion và đăng ký bằng sáng chế về Onewheel.
Khi Kyle Doerksen nhận thấy Trotter có kiểu dáng thiết kế giống hệt Onewheel của mình, anh đã thực sự tức giận và tìm mọi cách để ngăn chặn Changzhou ra mắt Trotter. Năm ngoái, Future Motion đã gửi email đến Changzhou để yêu cầu công ty này ngừng bán sản phẩm Trotter vì vi phạm kiểu dáng sản phẩm, nhưng không nhận được hồi đáp. Future Motion tiếp tục liên hệ với Changzhou ít ngày trước khi triển lãm CES diễn ra, thậm chí đại diện của công ty đã đến trực tiếp gian hàng của Changzhou tại CES nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Cuối cùng, Future Motion đã phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát.
Trước sự việc xảy ra, một người phụ nữ có mặt tại gian hàng tự nhận là đại diện của Changzhou cho biết sẽ nhờ đến sự tư vấn của luật sư để xử lý vụ việc. Trong khi đó, phía Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), đơn vị tổ chức CES, chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Đây là lần đầu tiên có một sự cố hy hữu xảy ra tại triển lãm CES, tuy nhiên trên thực tế, các sản phẩm “nhái” và vi phạm kiểu dáng của Trung Quốc được trưng bày tại các kỳ triển lãm CES không hề hiếm.
Mặc dù là triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới và thu hút các “đại gia công nghệ” tham gia, tuy nhiên ban tổ chức CES thường không quản lý chặt những sản phẩm được trưng bày tại triển lãm, miễn là các công ty tham gia triển lãm trả phí để thuê các gian hàng trưng bày tại CES. Nhiều công ty đến từ Trung Quốc vẫn thường xuyên trưng bày những sản phẩm giống với sản phẩm của các hãng công nghệ lớn khác mà không gặp phải sự cản trở nào.
Tuy nhiên với vụ việc vừa xảy ra có thể xem như một lời cảnh báo cho các công ty tại Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn “luật chơi” về bằng sáng chế khi tham gia “sân chơi” quốc tế, đặc biệt tại một sự kiện lớn và uy tín như CES, vốn được xem là sự kiện để định hình xu thế công nghệ trong năm.
Video cảnh sát phong tỏa và thu hồi sản phẩm của công ty Trung Quốc tại CES 2016
T.Thủy