1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Công nghệ phần mềm Việt Nam: Nên xác định lại vị thế!

(Dân trí) - Mục tiêu phát triển ngành công nghệ phần mềm (CNPM) Việt Nam giai đoạn 2000-2005 đạt doanh số 500 triệu USD phần mềm đã không hoàn thành được. Theo một việt kiều và cũng là chuyên gia CNTT giỏi, CNPM Việt Nam cần phải xác định lại vị thế!

Mục tiêu đạt… muộn 2 năm

Theo báo cáo tại hội thảo quốc gia CNTT trong xu thế đầu tư mới vừa diễn ra tại Hà Nội, mục tiêu đạt doanh số 500 triệu USD giai đoạn 2000 - 2005 phải tới cuối năm 2007, nghĩa là sau 2 năm so với kế hoạch mới thực hiện được. Trong khi đó, 6 tháng cuối năm 2008, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới bị suy thoái, kinh tế trong nước cũng gặp khó khăn thì mức tăng trưởng của ngành này không thể không ảnh hưởng.

CNPM ở Việt Nam được xem là một ngành công nghiệp đặc thù với sản phẩm trí tuệ là phần mềm và là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng, ngành mũi nhọn trong chiến lược. Tuy nhiên, nó lại không nhận được những thuận lợi như ngành CNPM ở các nước khác.

TS Lê Hoàng Minh, Viện trưởng viện CNPM và nội dung số (NDS) Việt Nam cho biết: Đây là một ngành còn rất non trẻ, khó khăn trong định hướng phát triển. Nguồn nhân lực CNTT vừa mỏng, thiếu các chuyên gia và nhà quản lý giỏi, hiểu biết về thị trường và chiến lược kinh doanh. Đó có thể là lý do thị trường chính của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn là thị trường nội địa chứ chưa phải thị trường xuất khẩu và chưa được các doanh nghiệp trong nước tin tưởng. Bên cạnh đó, hạ tầng truyền thông, giá cả dịch vụ về viễn thông - internet khá cao cũng là yếu tố ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh ra bên ngoài.

Và với thực trạng đó, việc gia nhập WTO không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. TSKH Nguyễn Anh Tuấn, vụ trưởng vụ công nghệ thông tin (Bộ Thông tin truyền thông), nhận định: “Nền tảng chính sách về công nghệ của Việt Nam là kết hợp giữa chiến lược bảo hộ, nuôi dưỡng các ngành công nghiệp trong nước cho tới khi đủ sức cạnh tranh. Nhưng sau khi gia nhập WTO, các rào cản thương mại và hầu hết các chính sách bảo hộ đều phải dỡ bỏ theo lộ trình. Điều đó khiến các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia khác tại thị trường trong nước và thế giới.”.

Dưới con mắt của một việt kiều, GS.TS John Vũ - Viện sĩ Viện Hàn Lâm Software Engineering Institute; Kỹ sư trưởng Trung tâm CNTT của Tập đoàn Boeing, thách thức của CNTT Việt Nam còn là vấn đề về truyền thông, về đối tác và liên minh và cả tiếp thị, quảng cáo…

Nên xác định vị thế bằng năng lực

Việc luôn tự hào rằng ưu thế của ngành CNTT Việt Nam là chi phí nhân công thấp cần phải xem lại. GS.TS John Vũ khẳng định, nếu chỉ có giá nhân công thấp thì cũng không tạo ra một yếu tố chính cho sự lựa chọn của đối tác. Mà nếu khách hàng nhận ra sự thiếu năng lực của mình thì rất khó giữ được sự hợp tác. Bởi vậy, “tôi tha thiết khuyến cáo các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam nên xác định vị thế của mình dựa trên năng lực chuyên môn hơn là chỉ dựa vào giá thấp” - ông John Vũ nói.

Tất nhiên, năng lực chuyên môn cũng chính là vấn đề về nhân lực. “Trong khi đó, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực ở Việt Nam vẫn còn có sự khác biệt lớn, vừa thừa lại vừa thiếu” - TS Lê Hoàng Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, CNPM là ngành công nghiệp công nghệ cao, nhiều rủi ro, đồng thời lại có khả năng sinh lời cao, do đó, việc huy động vốn cho các doanh nghiệp phần mềm nên được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức các Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nhà nước cũng đã sớm nhận thức được vấn đề này và đã đưa vào trong Nghị quyết 07. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp phần mềm nào được nhận sự hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước dưới dạng đầu tư mạo hiểm. Có chăng cũng mới là các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án đầu tư từ ngân sách với các quy định khá cứng nhắc.

Với TSKH Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng, do không thể cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia tại thị trường trong nước và thế giới nên chúng ta cần phải hợp tác, liên kết dựa vào sức mạnh của những tập đoàn này. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực vượt bậc để từng bước cải thiện, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trở thành một mắt xích tích cực trong chuỗi cung ứng giá trị sản xuất toàn cầu…

Lan Hương