Công nghệ "luộc dế"
Thường thì, các tay đầu nậu "tuốt" lại vỏ bên ngoài và 1 tiếng sau, chiếc màn hình hàng chợ xấu xí và lem luốc sơn lại vỏ ngoài, điểm nhãn lại, trông sang trọng không khác màn hình đang đứng hàng top trên thị trường.
Có lẽ, chưa bao giờ thị trường điện thoại di động lại sôi động như hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Không phải ai cũng biết được chất lượng thật sự của máy bởi cùng một loại điện thoại nhưng giá cả chênh nhau, nguồn gốc của nó cũng rất "trời ơi".
Ngày 13/11, một phụ nữ đã phản ánh việc chị bị "sập bẫy" công nghệ "luộc" điện thoại di động. Mua 1 chiếc Nokia với giá 3 triệu đồng, bảo hành 1 tháng tại một cửa hàng ở phố Đặng Dung, Hà Nội chỉ được vài ngày, máy của chị H. trục trặc. Khi quay trở lại, người bán nói rằng nó bị hỏng một bộ phận nào đó, phải thay đồ với giá 600.000 đồng chứ không được bảo hành như thỏa thuận khi mua bán.
Không chỉ trường hợp của chị H., khá nhiều máy điện thoại mới đang được bán trên thị trường hiện nay là sản phẩm của công nghệ "luộc" điện thoại di động.
Công nghệ "trộn" và "luộc" điện thoại
Anh bạn tôi vốn là dân buôn điện thoại. Cuộc hành trình kinh doanh mặt hàng này của anh cũng khá vất vả nhưng lại "một vốn bốn lời". Trước đây, mỗi khi hỏi anh về bí quyết đó, anh chỉ mỉm cười: "bí mật". Gần đây anh đã "giải nghệ" nên tôi mới có cơ hội được hỏi anh về những "bí mật" mà anh đã cất giữ bấy lâu.
Anh nói: "Làm nghề này nhiều tiền thật nhưng phải rất mạo hiểm, buôn bán mãi cũng chán rồi, lại suốt ngày phải lo "bể mối" thì nguy nên mình "gác kiếm"”.
Mới đây anh vẫn còn bươn trải đi tìm nguồn hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội bán. Linh kiện và hàng Trung Quốc đa dạng về chủng loại, phục vụ nhu cầu về trang trí đến hàng nhái y như thật. Dân kinh doanh điện thoại sử dụng hai loại hàng nhái: nhái hình thức - kiểu dáng và nhái phần mềm - ứng dụng khác.
Thông thường một chiếc điện thoại chính hãng có giá khoảng 6 triệu đồng thì giá của chiếc điện thoại nhái khi đưa về Hà Nội chỉ có hơn 2 triệu đồng. Ruột, vỏ của nó giống hệt hàng chính hãng, nhưng chất lượng rất kém do main (bo mạch chính của máy - bộ phận quan trọng nhất) dựng thủ công. Bởi vậy, thời gian sử dụng ngắn, nếu hỏng thì phần lớn không phục hồi hay sửa chữa được.
Ngoài nguồn nhập từ Trung Quốc, một nguồn điện thoại khác là "hàng cũ giá cao" khi người sử dụng muốn thay máy mới hoặc máy bị hỏng một chức năng nào đó. Gặp khách như vậy, chủ hàng chỉ cần "hét" giá của linh kiện máy đó lên cao hoặc phí sửa chữa cao để khách nản lòng và bán vội.
Lúc đó, thợ chỉ cần thay bằng những linh kiện nhập từ Trung Quốc hay từ điện thoại cũ khác và bày bán với giá thấp hơn hàng hiệu một nửa hoặc 70% vẫn có thể thu lời.
Một số dòng máy thông dụng của Nokia như 6600, 7610… nếu bị rơi vào nước thì flash thường bị yếu. Và để bật được màn hình lên thì phải… sấy trong vòng khoảng 1 tiếng. Nhưng oái oăm thay, sau một tiếng, điện thoại mất nhiệt và kết quả là màn hình "chết", sấy nhiều thì nó tịt hẳn.
Vậy mà, nhiều khách hàng không biết vẫn bị "thôi miên" vì thấy loại hàng "lướt" (hàng mới qua sử dụng) này vẫn mới mà giá lại rẻ nên thấy tiếc nếu bỏ qua cơ hội.
Thường thì, các tay đầu nậu "tuốt" lại vỏ bên ngoài và 1 tiếng sau, chiếc màn hình hàng chợ xấu xí và lem luốc sơn lại vỏ ngoài, điểm nhãn lại, trông sang trọng không khác màn hình đang đứng hàng top trên thị trường. Cao cấp hơn, một số thợ còn "phù phép" bằng những độc chiêu phục hồi lại phần cứng để nhái những dòng sản phẩm đang bán chạy.
Đi sửa hay bảo hành có bị "luộc" đồ?
Nhu cầu sử dụng hàng công nghệ cao phục vụ cuộc sống ngày càng tăng nhưng hiểu biết của người tiêu dùng về thiết bị bên trong máy thường chưa theo kịp nên hay bị tráo đồ. Anh Trần Minh Tâm ở Cầu Giấy đã phải khóc dở, mếu dở khi mang chiếc Nokia vẫn còn thời gian bảo hành của mình đi sửa.
Cửa hàng bảo hành thì quá tải, Tâm đành đem chiếc điện thoại của mình đến một cửa hàng điện thoại gần đó để sửa chữa. Sau khi được sửa chữa, Tâm mang về thấy dùng ổn định 3 ngày thì lại thấy dở chứng, màn hình tối thui. Hoảng quá, Tâm tìm lại giấy bảo hành để đưa điện thoại đi "cấp cứu" thì được biết, màn hình điện thoại đã bị thay bằng hàng Trung Quốc, pin cũng bị thay.
Dân trong nghề tự phân ra các loại "luộc" nghe như cách chế biến thức ăn: "luộc tái" đến "luộc chín".
Một chiếc điện thoại khi bị mất nguồn không rõ nguyên nhân gì, đã vào tay thợ thì anh ta có thể "luộc" bất cứ linh kiện gì anh ta cần hoặc thích. Với những máy bị mất sóng hay sóng chập chờn, mất rung, không sạc được điện, không đọc thẻ nhớ… thì tuỳ loại bệnh mà công nghệ "luộc" sẽ được thực hiện theo từng công đoạn.
Có những trường hợp mạch IC chỉ bị hở vài chân do bị rơi máy nhưng thợ lại báo cho khách hàng là phải thay IC. Hoặc những chiếc đèn màn hình mờ hoặc tắt ngúm, thợ sẽ báo là màn hình hư cần thay màn hình mới. Nhưng khi vào phòng kỹ thuật, anh ta sẽ thay đèn, câu dây cho đèn sáng lên, chứ không hề thay màn hình. Tất nhiên, những chiếc điện thoại bị luộc đều thuộc loại giá cao.
Hàng "xách tay" cũng là một loại bẫy được giăng ra chờ những người không am hiểu điện thoại. Anh Lê Hoàng Nguyên ở Thanh Xuân phản ánh, anh mua 1 chiếc điện thoại Samsung D610 mới tinh, số seri và main đều "chuẩn" nhưng lại không có bảo hành.
Anh được chủ hàng giải thích: "Đó là hàng xách tay nên không có bảo hành". Sau một thời gian về dùng, thấy sóng chập chờn, pin yếu, anh mang đến hỏi một người quen cũng là dân buôn máy thì được biết, máy của anh là hàng đã hết bảo hành nhưng được "mông má" lại.
Trước đây, tình trạng "luộc" điện thoại xảy ra nhiều trên phố Đặng Dung. Nhưng nay người dân đã cảnh giác nên việc sập bẫy có ít hơn. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, hàng "luộc" hoặc "trộn" từ đây sẽ được toả ra khắp nơi. Và việc tránh "tiền mất tật mang" phụ thuộc hầu hết vào sự thông thái của người tiêu dùng.
Theo Hồng Hạnh - Việt Hà
Công an Nhân dân