Cộng đồng mạng phát sốt với ứng dụng hoán đổi khuôn mặt vào video như thật
(Dân trí) - Reface, ứng dụng "gốc Mỹ" sử dụng công nghệ AI Deepfake giúp hoán đổi khuôn mặt đang gây sốt trên toàn cầu.
Những ứng dụng với lõi là công nghệ AI Deepfake đang thực sự tạo ra làn sóng mới trên toàn cầu, bất chấp mối lo về thu thập dữ liệu cá nhân.
Mở đầu với FaceApp - ứng dụng hoán đổi khuôn mặt vào ảnh chụp - cho phép thay đổi ngoại hình rất độc đáo, giờ đây người dùng thậm chí có thể hoán đổi khuôn mặt trong bất kì video nào.
Trong đó, nổi bật nhất là ứng dụng Reface, với cách thức hoạt động rất đơn giản: Chỉ cần chụp ảnh selfie, sau đó chọn một trong hàng loạt video được đề cử để hoán đổi khuôn mặt.
Hoán đổi khuôn mặt nhanh, đơn giản, chính xác đến kinh ngạc
Kho video sẵn có của Reface vô cùng phong phú và được phân loại theo từng nhóm chủ đề như Phim ảnh, gồm các siêu anh hùng Marvel, Netflix, Game of Thrones,... cho tới những nhân vật nổi tiếng ngoài đời thực như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cựu Tổng thống Obama, các CEO công nghệ tại Thung lũng Silicon,...
Sau ít phút xử lý, ứng dụng sẽ cho ra video gắn kèm mặt "mới" với độ chính xác đáng kinh ngạc. Sản phẩm có thể được lưu về dưới dạng video, hoặc ảnh GIF để chia sẻ lên mạng xã hội.
Thông thường, các ứng dụng với lõi Deepfake do các công ty Trung Quốc tạo nên. Tuy nhiên, ứng dụng Reface lại do Neocortex - một công ty có trụ sở tại California (Mỹ) phát triển.
Theo Independent, ngay khi ứng dụng này ra mắt, nó đã đứng thứ 3 trên Google Play Store và thứ 28 trên App Store. Tính đến thời điểm hiện nay, ứng dụng đã lọt vào top 2 trong hạng mục Giải trí tại App Store.
Trên mạng xã hội Twitter, Facebook, Reddit,... rất nhiều người dùng đã chia sẻ hình ảnh "hóa thân" thành các nhân vật nổi tiếng, siêu anh hùng, diễn viên,... trong các tựa phim "bom tấn" thông qua ứng dụng Reface một cách đầy thích thú.
Lo ngại về quyền riêng tư của người dùng
Mặc dù có tính giải trí cao, nhưng các app chỉnh sửa, thay đổi, hoán đổi khuôn mặt luôn yêu cầu người dùng phải đăng tải ảnh cá nhân, và từ đó kéo theo những lo ngại về quyền riêng tư bị xâm phạm.
Zao - một ứng dụng tương tự Reface tại Trung Quốc, từng vấp phải rất nhiều phản ứng mạnh mẽ của người dùng trước điều khoản nêu rõ nhà phát triển sẽ được dùng miễn phí, được phép chuyển nhượng, tái cấp phép đối với tất cả nội dung do người dùng tạo ra.
Thực tế cho thấy việc thu thập dữ liệu hình ảnh từ khuôn mặt, cho tới các thông tin cá nhân của người dùng khi thực hiện các bước đăng ký là điều khó tránh khỏi khi sử dụng các app tương tự.
Với Reface, điều tương tự được nhà phát hành nêu rõ trong điều khoản, nói rằng họ "có thể thu thập ảnh của người dùng khi sử dụng ứng dụng", dù cho biết điều này chỉ nhằm cung cấp dịch vụ cốt lõi của ứng dụng, mà không bao gồm bất kỳ mục đích nào khác.
Nhiều chuyên gia công nghệ cũng khuyên người dùng nên thận trọng với những ứng dụng làm đẹp, chỉnh sửa ảnh, hoặc chuyển đổi khuôn mặt và hạn chế sử dụng, dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những nguy cơ của nó.
Bên cạnh giá trị giải trí thuần túy, các ứng dụng sử dụng Deepfake còn làm dấy lên nhiều nỗi lo nếu bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích xấu như chính trị, hay hãm hại người khác.