Con người là nguyên nhân khiến voi Ma mút tuyệt chủng

(Dân trí) - Trước đây, nguyên nhân tuyệt chủng của voi ma mút được cho là do vụ nổ thiên thạch va chạm với trái đất, hoặc do sao chổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vừa khẳng định con người mới là nguyên nhân chính khiến loài voi này biến mất vĩnh viễn.

Con người là nguyên nhân khiến voi Ma mút tuyệt chủng

Tính đến thời điểm hiện tại, các giả thuyết cho rằng voi ma mút tuyệt chủng là do nguyên nhân một tảng đá vũ trụ va chạm Trái đất và phát nổ, khiến khí hậu sau đó chuyển đổi đột ngột. Voi Ma mút đã không chịu được thời tiết khắc nghiệt này đã chết trên diện rộng và toàn bộ sau đó.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học thuộc Đại học College London và Đại học California cho biết, họ đã nghi ngờ khả năng tuyệt chủng này.

Theo đó, các nhà khảo cổ đã tiến hành nghiên cứu địa chất tại Syria – nơi trước đây là địa bàn sinh sống đông đảo của  loài voi Ma mút khổng lồ. Họ phát hiện ra rằng, tại đây tồn tại những giọt chảy scoria silic hóa thạch (giọt hình thành do bị tán xạ bởi nhiệt độ rất lớn khi va chạm thiên thạch).

Thế nhưng, những hóa thạch trước đó lại “phủ nhận” điều này khi những giọt chảy scoria silic vừa mới phát hiện ở đây cho lượng nhiệt không lớn và nó cũng khác so với những giọt scoria silic đã được tìm thấy sau các vụ va chạm thiên thạch khác. Bằng các xét nghiệm, nhóm khảo cổ học thấy rằng thay vì bị tác động bởi nhiệt độ cực cao, các giọt chảy scoria silic được tạo ra với lượng nhiệt “khiêm tốn” hơn rất nhiều. Nguyên nhân hình thành của chúng có thể là từ các đám cháy rừng hoặc việc sử dụng lửa của con người ở thời kì đồ đá.

Con người là nguyên nhân khiến voi Ma mút tuyệt chủng

Từ kết quả này, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm kiếm và còn phát hiện ra rất nhiều hóa thạch rải rác tương tự. Từ đó, nhóm đã đưa ra kết luận rằng nơi đây đã từng có dấu chân của các bộ lạc thời tiền sử sinh sống. Và những đám cháy được phát hiện chính là do họ đốt lửa sưởi ấm.

Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến voi Ma mút? Tiến sĩ Peter Thy thuộc đại học California – trưởng dự án nghiên cứu – nhận định rằng sự xuất hiện của con người và sự tác động của họ như săn bắt quá mức, đốt rừng mở rộng địa bàn sinh sống… đã khiến môi trường nơi đây thay đổi, điều kiện sống bị đảo lộn và cuối cùng là nhiều loài vật to lớn chết hàng loạt, trong đó có voi Ma mút.

“Không có dấu hiệu cho thấy những giọt scoria silic nơi đây được hình thành từ nhiệt độ rất cao như khi thiên thạch va chạm với Trái đất”, Tiến sĩ Peter Thy nói.

Voi Ma mút được cho là có kích thước khổng lồ, tồn tại trên Trái đất cách đây từ 200.000 năm và tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm. Trước đó, các giả thuyết cho rằng việc thiên thạch va chạm Trái đất đã gây nên vụ nổ lớn, khiến các tảng băng lớn sụp đổ, tạo nên Kỷ băng hà Younger Dryas và tồn tại 1300 năm.

Báo cáo khoa học đã được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science.

Lâm Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm