Cơ thể người thay đổi như thế nào trong vòng 100 năm qua?

(Dân trí) - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy chỉ trong vòng 100 năm qua, cơ thể con người đã có những thay đổi gây sửng sốt, khác xa với quá khứ.

Tóc/Da:

Tóc/Da:

Vào năm 1902, tóc của con người rất mỏng và thường xuất hiện các khoảng hói. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Cũng do chế độ “đói ăn”, trong đó đặc biệt là sự bị thiết hụt các vitamin, cộng thêm với việc thường xuyên ở trong nhà hay làm việc trong các nhà máy hoặc hầm mỏ nên da của con người cách đây 100 năm cũng khá nhợt nhạt và tái xám. Còn ngày nay, da dẻ con người căng hơn, hồng hào hơn trong khi tóc dài và bồng bềnh hơn rất nhiều lần.

Xương:

Ngày nay, rất ít khi chúng ta nhìn thấy những trẻ em bị còi cọc. Trong khi đó, vào năm 1902, việc thiếu canxi và vitamin D đã khiến rất nhiều phụ nữ bị chân vòng kiềng, có dáng đi kỳ quặc, đồng thời tỉ lệ người khuyết tật tay chân cũng khá cao. Tuy vậy, con người khi đó lại tham gia nhiều vào các hoạt động lao động tay chân. Còn trẻ em ngày nay, dù khỏe mạnh và cứng cáp hơn song lại chỉ thường xuyên đụng tay vào việc nhắn tin trên điện thoại di động và chơi trò chơi điện tử.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng chiều cao của nam thanh niên ở nước này đã tăng trung bình 10cm kể từ đầu thế kỷ 20. Chiều cao trung bình hiện tại được đo là 178cm, cao hơn so với con số 168 cm trước đây. Người dân Hà Lan hiện tại có chiều cao trung bình cao nhất thế giới với con số 185cm. Nhân tố thúc đẩy gia tăng chiều cao là sự cải thiện về chế độ dinh dưỡng. Theo các nhà nghiên cứu, tại những quốc gia từng trải qua chiến tranh, dịch bệnh và đói nghèo, chiều cao trung bình của người dân sẽ giảm.

Bệnh tim

Ngày nay, bệnh tim cướp đi sinh mạng của khoảng 250 nghìn người Anh/năm, chiếm khoảng 40% các ca tử vong do bệnh lý tại Anh. Trong khi đó, tỉ lệ người chết vì bệnh tim ở Anh vào năm 1902 chỉ là 14%. Các nhà khoa học cho biết các thuốc men tân tiến hiện nay giúp được con người tránh được phần lớn các bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong quá khứ, song việc tuổi thọ kéo dài lại khiến con người sống “đủ lâu” để mắc các bệnh về tim.

Tuổi thọ

Vào năm 1902, tuổi thọ trung bình chỉ từ 40 – 45 tuổi, cách biệt rất xa với mức tuổi thọ từ 70 – 80 tuổi như hiện nay. Các nhà khoa học còn dự đoán tuổi thọ trung bình của nữ giới được sinh ra ở những nước phát triển như Mỹ năm 2030 sẽ là 85 tuổi. Được biết, tiến bộ y học, cải thiện vệ sinh môi trường và cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch hơn là những yếu tố giúp làm giảm tỷ lê tử vong ở người do nhiễm trùng và thúc đẩy sự gia tăng về tuổi thọ trung bình. Song tỷ lệ người chết vì các căn bệnh thoái hóa như Alzheimer, bệnh tim, ung thư ngày càng gia tăng.

Dinh dưỡng

Vào năm 1902, thức ăn rất khan hiếm và mỗi gia đình thường chỉ có 1 cái nồi để đun nấu. Vì vậy, con người khi đó khá là gầy còm. Còn ngày nay, khoảng 29% dân số toàn cầu đang có biểu hiện béo phì. Con số này tăng gấp đôi so với giai đoạn năm 1980, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số ý kiến đưa ra hướng đến thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhưng hạn chế tập thể dục. Các nguyên nhân khác được cho vai trò của gene và các loại virus liên quan đến chứng béo phì.


Thu Trang
Theo Daily Mail