Có nên phát triển thành một cộng đồng AI ở Việt Nam?
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, để gắn kết, tạo ra một mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa những tổ chức, cộng đồng yêu thích AI đang là một thử thách vô cùng lớn, khi mỗi nhóm lại có kiến thức và định hướng khác nhau.
Ngày 15/8/2019 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2019) đã khai mạc với chủ đề "Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo".
Sự kiện nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế - xã hội trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp,…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: "AI4VN Summit 2019 sẽ là nơi kết nối những người Việt làm trí tuệ nhân tạo, khơi gợi tình yêu đối với khoa học, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, từ đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo".
Tuy nhiên trên thực tế, để gắn kết, tạo ra một mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa những tổ chức hay cộng đồng yêu thích AI lại đang là một thử thách vô cùng lớn, khi mỗi nhóm lại có kiến thức và định hướng khác nhau.
Chính bởi vậy, "xây dựng cộng đồng AI tại Việt Nam" vừa được coi là mục đích, và vừa là bài toán với không chỉ dành cho những người yêu thích công nghệ, mà ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia. Đây cũng là chủ đề của phiên thảo luận chính diễn ra tại sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ khai mạc.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy - người từng làm việc với một số quản lý để có thể tìm ra giải pháp gắn kết cộng đồng AI tại Việt Nam, thì điều này là rất khó để thực hiện, vì cộng đồng AI phân bố theo hai miền Nam - Bắc cũng như có một nhóm tập trung ở thung lũng Silicon (Mỹ). Mỗi nhóm có quan điểm, thế mạnh và cách làm không giống nhau.
"Không nên phát triển thành một cộng đồng AI ở Việt Nam, vì mỗi cộng đồng lại có cách xây dựng và phát triển riêng", ông Duy nhận định. "Nếu bắt cộng đồng AI Việt Nam đi theo một tôn chỉ riêng thì chắc chắn sẽ thất bại".
Giải pháp được đưa ra là cần có một "cơ chế mềm" cho hệ sinh thái AI, trong đó mỗi cộng đồng sẽ phát triển biệt lập, và có những định hướng khác nhau.
Một liên hiệp của các cộng đồng AI cũng nên được thành lập để đưa ra thỏa thuận chung trong việc chia sẻ dữ liệu, nhằm phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo, module tài liệu đào tạo, nguồn chuyên gia và nguồn lực tính toán.
"Mọi người có nghĩa vụ đóng góp vì lợi ích chung. Đối với doanh nghiệp lớn, các chuyên gia cần dành thời gian cho cộng đồng, kết nối cộng đồng và hỗ trợ các startup. Ngược lại, cộng đồng cần chia sẻ và đào tạo nguồn lực lại cho các doanh nghiệp", Thứ trưởng Bùi Thế Duy chỉ đạo.
"Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng thảo luận với các chuyên gia nước ngoài để hình thành các dự án lớn cho hệ thống thông tin, hỗ trợ tư vấn và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI. Chúng tôi cũng đang làm việc với Enterprise Singapore để hy vọng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, đưa một số khu vực ở Việt Nam trở thành Bangalore ở ASEAN", ông Duy chia sẻ thêm.
Cần có một "cơ chế mềm" cho hệ sinh thái AI, trong đó mỗi cộng đồng sẽ phát triển biệt lập, và có những định hướng khác nhau.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Xuân Hoài, Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của AI tại Việt Nam chính là nguồn lực, nhưng lại chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên ngành này.
"Mọi thứ gần như xuất phát từ cộng đồng, sự kết nối còn yếu và cần một nền tảng chung để chia sẻ hệ thống thông tin đồng bộ. Vai trò các cá nhân trong cộng đồng cần tích cực và có một hệ thống hoặc dự án để kết nối toàn bộ cộng đồng với nhau", Giáo sư cho biết.
Ngoài ra, Giáo sư Hoài cũng cảnh báo rằng Việt Nam đang gặp các vấn đề bao gồm dữ liệu, cách kết nối startup với các nhà đầu tư, và cách kết nối cộng đồng với doanh nghiệp. "Chỉ khi giải quyết được các vấn đề này, mới giúp cho Việt Nam có cơ hội bắt kịp với xu hướng phát triển AI của thế giới", Giáo sư nhấn mạnh.
Nguyễn Nguyễn