CNTT là chìa khoá thành công cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
(Dân trí) - Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) là công cụ thiết yếu giúp giảm chi phí giao dịch, tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chọn mô hình ứng dụng phù hợp để nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi hội nhập kinh tế quốc tế đang là một vấn đề cấp thiết.
Tại Hội thảo ứng dụng CNTT - TT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lần thứ nhất được tổ chức tại TPHCM, ông Robert C. Gray, Phó chủ tịch nghiên cứu, Công ty Dữ liệu quốc tế IDC cho biết: “Ứng dụng CNTT-TT sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng với các cơ hội kinh doanh là như nhau giữa các doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ”.
Cũng theo ông Gray thì CNTT-TT giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh dễ dàng hơn từ thiết kế sản phẩm cho đến sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kết nối với các nhà cung cấp cũng như giữ và mở rộng tìm kiếm lượng khách hàng mới. Việc hỗ trợ 24 x 7 và cung cấp thông tin mọi lúc mọi nơi sẽ cải thiện rất đáng kể kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hơn nữa, thương mại điện tử cũng thực sự không quá tốn tiền và rất phù hợp cho các SME. 99% cơ hội kinh doanh này nằm ngoài thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp nên tăng cường phổ biến ứng dụng CNTT để không bỏ lỡ những cơ hội này”, ông Gray nhấn mạnh.
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty AZ Solutions cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng việc ứng dụng CNTT để giảm thiểu thời gian thực hiện chỉ là một phần nhỏ. Vấn đề lớn hơn mà các SME cần quan tâm là những phần mềm quản lý cho phép cập nhật dữ liệu liên tục giúp các cấp lãnh đạo có đầy đủ thông tin làm cơ sở để ra quyết định đúng đắn, tăng hiệu quả kinh doanh.
Theo khảo sát của Sở Bưu chính Viễn thông tại TPHCM vào năm 2005 với hơn 13.000 doanh nghiệp tham gia thì tỷ trọng phần cứng chiếm 82% tổng giá trị đầu tư cho CNTT, chỉ 1,1% doanh nghiệp có ứng dụng ERP. Đến nay, theo nhận định của Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM thì việc ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế chủ yếu do nhận thức của doanh nghiệp chưa cao.
Ứng dụng CNTT-TT trong quản lý và hoạt động của doanh nghiệp rất được khuyến khích và xem như một giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng trên thực tế, không phải ứng dụng CNTT nào cũng dẫn đến thành công.
Một tổng công ty dệt may tại Việt Nam đã từng thất bại khi đầu tư trang bị một phần mềm quản lý hàng đầu trên thế giới nhưng chỉ sử dụng được một phần nhỏ trong giải pháp này vì mô hình công ty không phù hợp. Hoặc một doanh nghiệp đầu tư vào phần mềm quản lý gần 30.000 USD nhưng chỉ dùng được trong 1 năm do quy mô, lĩnh vực kinh doanh của công ty mở rộng thêm trong khi phần mềm này không thể nâng cấp.
Tiến sỹ Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng cục ứng dụng CNTT, Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng: “Ứng dụng CNTT là con đường dẫn đến thành công cho các SME trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phân biệt giữa ứng dụng và sử dụng. Xác định rõ ứng dụng CNTT “có chọn lọc” để mang lại hiệu quả thực sự, chứ không phải sử dụng bất kỳ phần cứng, phần mềm nào”.
Ông Robert Gray cũng khuyến cáo các SME cần “liệu cơm gắp mắm”, chọn những giải pháp thích hợp nhất với công ty chứ không nên chạy theo yếu tố hiện đại bởi mua sắm và “trùm mền” là điều rất đáng tiếc và thực sự lãng phí.
Trước khi quyết định trang bị một phần cứng hay phần mềm nào, ngoài việc yêu cầu nhà cung cấp phải tư vấn tốt để có sản phẩm thích hợp nhất thì doanh nghiệp cần quan tâm đến yếu tố giải pháp đó có thể nâng cấp hay kết hợp được với những thiết bị, module của các nhà sản xuất khác nhau hay không. Ngoài ra, thương hiệu, uy tín của nhà cung cấp cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài.
Lê Ngọc