Chuyện thu tiền bản quyền đĩa trắng: học tập hay bắt chước?

Việc áp dụng hình thức thu phí bản quyền với tất cả đĩa quang trắng do Cục Bản quyền tác giả đang biên soạn đã làm dấy lên dư luận phản đối gay gắt của các nhà sản xuất đĩa quang trắng và người tiêu dùng.

Song, xem ra những người soạn thảo nghị định này bỏ ngoài tai mọi ý kiến phản biện và cho rằng phải làm theo các nước khác mới đúng, và người ta phản đối là vì không hiểu chuyện ở nước khác.

 

Nhất thiết phải thu phí

 

Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả cho rằng, việc thu phí bản quyền trên đĩa quang trắng là cần thiết. Theo ông Chu, nhiều nước phát triển tại châu Âu hay Mỹ trong luật bản quyền cũng có quy định đĩa quang phải trả một khoản tiền gọi là đền bù bản quyền cho tác giả và quyền liên quan.

 

Việc trả khoản đền bù cũng là một cách để hài hòa quyền lợi giữa người tiêu dùng, người sản xuất và tác giả. Và nhiều nước châu Á cũng đã có luật về đĩa quang nên Việt Nam cũng phải tính đến việc quản lý đĩa quang.

 

Trao đổi với báo giới bên lề một cuộc hội thảo về bản quyền, ông Chu cũng công nhận đĩa quang được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng phần lớn việc sử dụng có liên quan đến quyền tác giả, nên việc thu phí bản quyền là hợp lý.

 

“Tại Việt Nam và các nước, các nhà máy sản xuất đĩa quang cũng là nơi tiêu thụ nhiều đĩa quang trắng lậu nhất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất mới “phản ứng” mạnh về việc thu bản quyền này”

 

Ông Chu kể, ông đã từng đến thăm một nhà máy sản xuất đĩa quang (cả đĩa quang trắng và đĩa ghi chương trình). Và đoàn của ông đã phải chờ tới cả tiếng mới được vào, không được vào ngay như các nhà máy sản xuất mặt hàng khác. Ông Chu lý giải, có chuyện này bởi tại Việt Nam và các nước, các nhà máy sản xuất đĩa quang cũng là nơi tiêu thụ nhiều đĩa quang trắng lậu nhất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất mới “phản ứng” mạnh về việc thu bản quyền này.

 

Về việc tại sao doanh nghiệp và người dùng phản ứng gay gắt về việc này, ông Chu cho rằng có một lý do nữa là vì họ chưa hiểu về quy định của các nước. Vì thế, Cục Bản quyền Tác giả đã phải tăng cường thông tin trên website của mình về việc thu tiền đền bù bản quyền của các nước như Đức, Thụy sĩ, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ… để mọi người hiểu hơn và đồng thuận với chính sách quản lý này.

 

Doanh nghiệp sản xuất đĩa quang nói gì?

 

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất đĩa quang, thị trường các nước trong khu vực, đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu trong sản xuất đĩa quang trắng. Vì thế, mức giá bán sản phẩm này hiện khá thấp, các nhà sản xuất đĩa quang trắng trong nước đang phải gồng mình chịu đựng vì lỡ đầu tư thiết bị.

 

Vài năm trước, có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất đĩa quang trắng, nhưng nay chỉ còn vài đơn vị sản xuất mặt hàng này như Bách Việt, Đức Việt, VIT. Đĩa quang trắng sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng một nửa thị trường, còn lại phần lớn là đĩa nhập lậu từ Trung Quốc.

 

Ông Đinh Thọ Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và đầu tư Bách Việt cho biết, để giữ khách hàng, mức giá bán đĩa quang trắng có lúc còn thấp hơn giá thành từ 5 - 7% với hy vọng tình trạng khó khăn này sẽ không kéo dài.

 

Ông Văn cũng cho rằng việc các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn trong cạnh tranh về giá với đĩa nhập lậu mà lại phải trả thêm khoản phí bản quyền này chỉ làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Ông Văn nói: “Hơn nữa, việc các nhà sản xuất phải trả tiền bản quyền trên đĩa trắng có nhiều điều không hợp lý. Vì đĩa trắng cũng giống như một tờ giấy trắng, sao lại phải trả tiền bản quyền khi chưa ghi gì lên đó. Đĩa trắng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc lưu trữ dữ liệu cá nhân không liên quan gì đến vấn đề bản quyền”.

 

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đức Việt cũng cho rằng dự thảo này nếu được triển khai chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất đĩa trắng hiện phải cạnh tranh với hàng lậu. Ông nói: “Nếu nhà nước tiếp tục thu thêm phí bản quyền của đĩa quang trắng thì chúng tôi buộc phải dừng sản xuất mặt hàng này”.

 

Ông Linh cho rằng sản phẩm đĩa trắng không chỉ dùng cho mục đích ghi các chương trình ca nhạc hay các chương trình có bản quyền. Tại sao không đánh thuế trực tiếp tiền bản quyền vào các chương trình được ghi trên đĩa? Một đĩa trắng, chưa sao chép nội dung mà thu phí bản quyền. Đó là điều vô lý!

 

Về giá bán đĩa quang trắng, ông Văn cho biết, nếu nghị định này đi vào thực thi, mỗi năm Bách Việt sẽ phải trả hơn một tỉ đồng tiền bản quyền. Như vậy buộc giá bán đĩa quang trắng sẽ phải “đội” lên. Mà giá cao càng khó bán.

 

Còn ông Linh cũng nhận định, việc thu phí bản quyền này sẽ làm cho giá bán sản phẩm đĩa quang trắng của Đức Việt sẽ tăng lên từ 5 - 15%.

 

Người tiêu dùng bất bình

 

Ở góc độ người dùng, ông Đinh Hải Ngọc, Giám đốc Công ty Kiến trúc Hiên Ngọc cho rằng quy định việc thu phí bản quyền trên đĩa quang trắng là không hợp lý. Vì đĩa trắng sao lại phải trả phí bản quyền. Bản quyền chỉ phải trả cho tác quyền. Mà đĩa trắng lại không phải tác quyền nên không thể bắt người tiêu dùng trả.

 

Ông Ngọc đặt câu hỏi: nếu muốn chống vi phạm bản quyền, sao các cơ quan chức năng không làm gắt khâu kiểm tra để xử lý vi phạm? Sao lại bắt cả những người dùng đĩa trắng cho mục đích lưu trữ dữ liệu phải trả tiền?

 

Còn chủ một cửa hàng băng đĩa ở Hà Nội (không cho biết tên) cho rằng, nếu khi mua đĩa trắng đã đóng phí bản quyền thì người dùng có quyền chép phim, nhạc hoặc bất kỳ phần mềm thương mại nào mà không vi phạm luật bản quyền nữa. Người sở hữu bản quyền cứ việc đến nơi thu tiền bản quyền mà đòi phần của họ.

 

Nói cách khác, ông này cho rằng cách làm trên đã hợp pháp hóa quyền sao chép sản phẩm có bản quyền của người khác. Khi người mua đĩa phải trả tiền (cho ai đó, dù họ không biết) thì họ phải có quyền lợi trong việc sử dụng bản quyền (của ai đó) cần thiết cho họ. Nếu không thì số tiền đó sẽ vào túi ai?

 

Học tập hay bắt chước?

 

Nói về quy định của các nước trong lĩnh vực này, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đức Việt nói rằng, tại một số nước trên thế giới, việc thu phí được các hãng (Philip, Sony) thu trên đĩa trắng là phí phát minh ra công nghệ sản xuất đĩa chứ không phải là thu phí bản quyền. Nhưng việc thu phí này cũng được các hãng bỏ từ vài năm nay, họ chỉ tiến hành thu trên đĩa có nội dung chương trình. Ông Linh dẫn ra ví dụ này với mục đích lý giải cho việc thu phí trên đĩa quang trắng của các nước.

 

Còn theo nhận xét của một chuyên gia (không muốn nêu tên), việc thu phí bản quyền đối với đĩa quang trắng cũng là hình thức không phổ biến trên thế giới. Do vậy, khi tham khảo chính sách quản lý của thế giới về một lĩnh vực, nhà hoạch định chính sách cũng nên tìm hiểu về mức độ phổ biến của chính sách đó bên cạnh tính khả thi.

 

Chưa kể tới việc “đẻ” ra việc thu phí này là do nhà hoạch định chính sách hiểu sai ý nghĩa của việc thu tiền bản quyền trên đĩa trắng ở một số nước. Canada đã từng thu khoản phí này nhưng đã phải bỏ. Do vậy, cần học hỏi kinh nghiệm quản lý tại lĩnh vực này trên tinh thần nghiên cứu thật kỹ luật pháp, tập quán sinh hoạt và tiêu dùng của người dân mỗi nước.

 

Điều hợp lý với xã hội này có thể là sai lầm với một đất nước có điều kiện kinh tế và tập quán tiêu dùng không giống nhau. Không phải những gì các nước phát triển đã hoặc đang làm đều đúng với Việt Nam. Có một sự khác biệt rất lớn giữa nhắm mắt bắt chước với thái độ nghiêm túc học tập về giải pháp quản lý xã hội.

 

Mặc dù trước nhiều ý kiến khác nhau của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các chuyên gia, nhưng ông Chu vẫn nhấn mạnh, việc thu phí bản quyền đĩa quang trắng đang là một vấn đề lớn, vượt khỏi tầm của một nghị định. Rất có thể, nội dung này sẽ trở thành một điều luật mới trong dự án sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sắp tới.

 

- Đĩa quang trắng là bất kỳ sản phẩm nào có thể ghi, lưu trữ được dữ liệu dưới dạng số hóa để có thể đọc được bằng thiết bị quang học.

 

- Bản dự thảo nghị định quy định về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và lưu hành đĩa quang được Chính phủ giao Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo. Trong bản dự thảo này có một nội dung liên quan tới việc sẽ thu tiền bản quyền đối với đĩa quang trắng. Theo đó mọi tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập khẩu đĩa quang trắng phải nộp tiền bản quyền. Tiền bản bản quyền này được tính bằng 3% của 50% giá đĩa quang trắng bán ra thị trường.

 

Theo dự thảo này, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam sẽ được chỉ định là đơn vị thu tiền bản quyền và phân phối tiền này cho các chủ thể liên quan theo thỏa thuận. Hiệp hội này sẽ giữ lại 20% tổng số tiền bản quyền thu được để làm kinh phí hoạt động và lập quỹ khuyến khích sáng tạo. Phần còn lại 80% sẽ được chia như sau: 36% sẽ được chia cho chủ sở hữu quyền tác giả, 32% cho người biểu diễn và 32% cho nhà xuất bản ghi âm, ghi hình.

 

Việc thu và phân phối tiền bản quyền này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra hoạt động thu và phân phối khoản tiền này.

 

(Nguồn: Dự thảo nghị định quy định về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và lưu hành đĩa quang; sử dụng đĩa quang để định hình, sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng).

 

Theo Vân Oanh

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm