Chưa có kết luận doanh nghiệp viễn thông bắt tay tăng giá cước 3G

(Dân trí) - Hiện tại Cục Cạnh tranh, Bộ Công thương đang làm việc cùng với 3 doanh nghiệp VinaPhone, MobiFone và Viettel để xác định liệu có hay không việc bắt tay tăng giá cước 3G chèn ép người dùng.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời phỏng vấn báo chí về việc các nhà mạng lớn tăng cước 3G.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời phỏng vấn báo chí về việc các nhà mạng lớn tăng cước 3G.

Tại cuộc họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ra công văn yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra việc ba mạng đồng loạt tăng giá cước 3G thì Cục Viễn thông đã cùng làm việc với Cục Cạnh tranh và các doanh nghiệp VinaPhone, MobiFone, Viettel. Tuy nhiên, từ sau ngày 23/10 khi Văn phòng Chính phủ phát công văn theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến ngày 8/11 vẫn chưa có kết luận liệu có hay không việc các nhà mạng lớn băt tay thông đồng tăng giá cước.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng cho biết sau khi làm việc với Cục Cạnh tranh và 3 nhà mạng lớn, Cục Viễn thông sẽ báo cáo lên Bộ TT&TT để sau đó có văn bản báo cáo lên Chính phủ về vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, ông Hải khẳng định có đầy đủ sở cứ chứng minh việc tăng giá cước dịch vụ 3G của 3 nhà mạng trong ngày 16/10 vừa qua là đúng quy định.

Đến ngày 7/11, Cục Viễn thông lần đầu tiên chính thức có công văn phản hồi phản ánh của báo chí về việc tăng giá cước dịch vụ dữ liệu 3G.

Theo đó, Cục cho biết việc tăng giá cước dịch vụ 3G căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông (Điều 55 Luật Viễn thông quy định giá cước viễn thông; Điều 43 Luật Viễn thông về kết nối mạng viễn thông công cộng; Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Viễn thông), về giá (Điều 5 Luật Giá quy định nguyên tắc quản lý giá; Điều 11 Luật Giá quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh), về cạnh tranh (Điều 13 Luật Cạnh tranh quy định về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm) và các điều ước quốc tế (Điểm b, Khoản 2 Tài liệu tham chiếu (Reference paper) Hiệp định Viễn thông cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới; Phụ lục 1 của Thể lệ Viễn thông quốc tế về “giá cước thanh toán” ).

Về sở cứ thực tế, công văn của Cục Viễn thông cho biết, khi xem xét thẩm định giá cước dịch vụ dữ liệu 3G, Bộ TT&TT đã căn cứ vào giá thành dịch vụ thực tế mà các doanh nghiệp báo cáo theo quy định của Bộ TT&TT (Thông tư số 16/2012/TT-BTTTT); quan hệ giữa năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp (cung) và mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng (cầu); mặt bằng giá cước của khu vực và thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Có hay không việc các nhà mạng thống lĩnh thị trường bắt tay cùng tăng giá cước là điều mà người tiêu dùng và dư luận đang rất quan tâm. Hầu hết người dùng đã tỏ ra rất thất vọng với động thái của ba “ông lớn” trên thị trường viễn thông. Trong cuộc khảo sát thực hiện trên Dân trí, chỉ trong 1 ngày, số lượng người tham gia bình chọn lên tới gần 8.000 và 92% trong số đó (7012 người) cho rằng đây là một hành vi độc quyền nhóm của 3 ông lớn, và sẽ không sử dụng dịch vụ 3G nữa. Chỉ có 4% (297 người) tin đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu trưởng thành, cước 3G tăng tức người dùng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn. 4% (335 người dùng) có ý kiến khác.


Khôi Linh

Khôi Linh