Chơi "dế" kiểu... "lẩu thập cẩm hi-tech"!

Tại Móng Cái, người bán kẻ mua điện thoại không cần hỏi đến thương hiệu mà nêu tính năng cần có hoặc chọn kiểu dáng. Nếu thích chơi đồ độc, người dùng có thể yêu cầu thợ lắp ráp cho mình riêng một chiếc "đặc chủng" từ đống linh kiện "xếp cao như kiêu gạch".

>>Kỳ 1: Lên chợ vùng biên tậu "alô" sành điệu

 

Cuộc truy lùng điện thoại độc

 

Điện thoại của Trung Quốc bán tại chợ Vinh Cương (Móng Cái) có 3 loại chính. Loại thứ nhất gọi là "hàng công ty", do những doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hoàn toàn, từ linh kiện, bản mạch cho đến vỏ máy. Dòng máy này có kiểu cách riêng, gắn tên nhà sản xuất "nhại" theo các hãng lớn và được bảo hành đến 6 tháng.

 

Với số tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng, khách du lịch có thể tha hồ lựa chọn "dế" cho mình với tính năng: màn hình màu cảm ứng với giao diện tiếng Việt, nghe nhạc MP3, xem phim MP4 âm thanh nổi, camera quay phim, chụp hình từ 1,3 - 2 "chấm". Những mẫu điện thoại đắt tiền vừa mới tung ra đều có ngay phiên bản nhái như Nokia 8800, N95, O2,... Nếu thêm khoảng 300 - 400 nghìn đồng, chiếc điện thoại của bạn có thêm cả tính năng xem TV.

 

Loại thứ hai là hàng dựng lại máy đã ngừng sản xuất của Nokia, Motorola, Ericsson,... Người mua có thể tìm thấy những máy "cục gạch" như: Ericsson GH688, T29s, hàng "độc bảng A" Motorola V70, Nokia 6310i sành điệu với logo Mercedes-Benz đính kèm... cho đến các model máy mới đã ngừng sản xuất như Nokia N-Gage QD.

 

Người bán hàng quảng cáo là "sử dụng linh kiện chính hãng" để lắp ráp, một vài mẫu được làm lại vỏ, nhưng theo lời "rỉ tai" của giới thợ thì tất cả linh kiện đều là Trung Quốc sản xuất. Giá bán của dòng điện thoại này từ vài trăm nghìn đến trên dưới 2 triệu đồng tùy theo tính năng, tương đương với giá trao đổi máy cũ tại Hà Nội.

 

Dòng điện thoại thứ ba không có tên tuổi, nơi đề nhãn hiệu chỉ có một dòng chữ "MP4 Phone", "Camera phone", "3D Audio"... để nhấn vào tính năng sản phẩm. Điểm đặc biệt của loại điện thoại này là chế theo yêu cầu của khách. Việc "chế tạo" điện thoại thủ công không phải dịch vụ phổ biến. Chúng không được bày bán tại chợ mà chỉ có một vài cửa hàng bán linh kiện có nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm nhận làm.

 

Thực tế, việc này không khác gì công đoạn thay thế linh kiện khi sửa chữa điện thoại bị trục trặc. Cửa hàng chuyên bán linh kiện có đầy đủ các loại "phụ tùng" để thay thế cho bất cứ chiếc điện thoại nào. Những linh kiện nhỏ như chip, panel màn hình và miếng cảm ứng các loại kích cỡ, ruột phím,... được đựng trong từng khay trong tủ quầy hàng. Bo mạch chính (main) được để  trong hộp tủ kính. Còn những phụ kiện lớn như vỏ máy, bàn phím, vỏ bảo vệ,... được treo thành từng bó trong các hộc trên tường.

 

Ghép linh kiện thành... "hàng độc"

 

Thông thường, người thợ sửa theo kiểu "chết đâu thay đấy". Nhưng nếu khéo đề nghị thì người mua có thể có đủ một chiếc điện thoại không giống ai được lắp thủ công từ cả "núi" linh kiện xung quanh.

 

"Dù nhiều kiểu dáng đa dạng nhưng thiết kế của những mẫu điện thoại Tàu có nhiều điểm tương đồng, cả về màn hình, bố trí bàn phím, mạch điện cho đến phần mềm.", anh Quân, thợ sửa điện thoại tại đây, nói. "Vì thế, có những trường hợp có thể lắp lẫn cho nhau. Chỉ cần soi chút về mạch, kết cấu linh kiện là có thể biết được cái nào có thể dùng với cái nào".

 

Để chứng minh cho lý luận của mình, tay thợ 27 tuổi rút trong đống bo mạch chính một số mẫu rồi giảng giải thế nào là loại cho màn hình lớn, cái nào cỡ vừa và nhỏ. Sau khi lắp xong phần ruột, tùy theo kích cỡ của main mà chọn vỏ cho phù hợp là có chiếc điện thoại "chẳng giống ai". "Bác thích bọc lại da con máy này thì em chạy ra làm miếng da rồi khoan đục làm luôn", Quân vui vẻ nói. "Thực ra điện thoại Trung Quốc chẳng độc gì. Vì mẫu mã đa dạng nên ít đụng hàng thôi".

 

Chất lượng khôn lường, thị trường vẫn... ổn!

 

Theo đánh giá của dân thợ, điện thoại Trung Quốc vẫn chưa sánh kịp với điện thoại chính hãng. Những điểm yếu cơ bản là màn hình tuy rất sáng nhưng không thật sự sắc nét, sống động. Âm thanh kêu rất lớn, nhưng bộ giải mã chất lượng không cao nên tiếng không mượt, thường bị chói ở tần số cao (âm treble). Chất liệu vỏ máy cũng không tinh xảo bằng hàng chính hãng. Tuy vậy, đa số người sử dụng điện thoại Tàu đều bị hấp dẫn bởi chỉ số tính năng/giá cả quá cao.

 

Tất cả những tính năng giải trí đa phương tiện đều được tích hợp trong một sản phẩm có giá bán chưa đến 2 triệu đồng, bằng 1/3 tiền mua chiếc điện thoại chính hãng có tính năng tương tự. Đó là yếu tố chính để điện thoại Tàu có chỗ đứng của mình và khó kiếm người sử dụng điện thoại chính hãng tại vùng biên này. Thỉnh thoảng có một vài sản phẩm chính hãng của Nokia, Samsung, Siemens... trên giá nhưng hầu hết là model đã cũ, nằm e lệ nép vào một góc. Phần lớn không gian được dành cho điện thoại và những phụ kiện cho sản phẩm mang nhãn Nokla, Noria, Senhao...

 

"Nói thẳng ra là điện thoại chính hãng không thể chen chân vào chợ này được. Chất lượng thì không dám khẳng định nhưng điện thoại Tàu có ưu thế hơn hẳn về kiểu dáng, tính năng và đặc biệt là giá", anh Hưng, một chủ cửa hàng cạnh chợ Một, nói trong khi tay đang nhoay nhoáy sắp xếp lại những chiếc điện thoại bày mẫu trong tủ kính.

 

Trung bình, mỗi cửa hàng điện thoại tại đây có thể bán ra từ 10 - 15 chiếc mỗi ngày cho khách mua lẻ. Nhưng thu nhập chính lại là những đơn đặt hàng từ các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng cho đến TP.HCM.

 

"Điện thoại Trung Quốc nếu mua đúng hàng nhà máy cũng không tệ lắm. Mặc dù thời gian bảo hành chỉ có 6 tháng nhưng trong tháng đầu tiên nếu gặp trục trặc thì được đổi cái mới ngay. Điều này nhiều nhà phân phối hàng chính hãng cũng chưa làm được", anh Việt Hoàng, chủ một cửa ki-ốt nhỏ tại phố Đặng Dung (Hà Nội), nói. Lần này, anh lên Móng Cái để bàn lại với "đối tác" về việc nâng cấp cửa hiệu của mình. Hoàng cho biết ngay tại phố "cầm đồ - điện thoại" nơi anh buôn bán, điện thoại Trung Quốc được tiêu thụ khá tốt trong hơn 1 năm trở lại đây. Nhiều người cùng phố với anh đã chuyển hẳn sang kinh doanh điện thoại Trung Quốc.

 

Theo Hưng Hải
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm