"Chìa khóa vàng 2021" trao cho 16 doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực ATTT
(Dân trí) - Sau quá trình bình chọn, tổng cộng 46 giải thưởng "Chìa khóa vàng 2021" đã được trao cho 16 doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực an toàn thông tin theo 8 hạng mục bình chọn.
Chiều nay 15/12 tại Hà Nội, "Lễ công bố và trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2021" đã được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức.
Đây là sự kiện thường niên, nhằm vinh danh các doanh nghiệp an toàn thông tin (ATTT) đã có nhiều nỗ lực từng bước khẳng định những ưu thế về chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường của sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt.
Theo đại diện ban tổ chức, giải thưởng "Chìa khóa vàng 2021" được trao cho nhóm hạng mục sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT, bao gồm: Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc, Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc, Giải pháp nền tảng An toàn thông tin tiêu biểu cho chuyển đổi số, Giải pháp Giao dịch điện tử an toàn và Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu.
Bên cạnh đó, chương trình có thêm một nhóm hạng mục bình chọn mới, dành cho các doanh nghiệp ATTT Việt Nam, bao gồm: Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng, Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng, Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số.
Quy trình thẩm định, đánh giá của các tiểu ban được thực hiện qua các bước thẩm định hồ sơ, nghe báo cáo, giải trình của doanh nghiệp và tới khảo sát, thẩm định trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin tại thực địa triển khai.
Sau quá trình bình chọn, có tổng số 46 danh hiệu "Chìa khóa vàng 2021" đã được trao cho 16 doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ theo 8 hạng mục bình chọn. Tổng số danh hiệu tăng thêm 1 so với năm 2020.
Kết quả bình chọn cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như Công ty An ninh mạng Viettel với 12 sản phẩm, dịch vụ; Công ty TNHH An ninh An toàn thông tin CMC với 5 sản phẩm, dịch vụ; VNPT với 2 sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu Chìa Khóa vàng.
Ngoài ra cũng có sự xuất hiện của "gương mặt mới", như CTCP CyStack, đã đoạt 4 danh hiệu với lần đầu tiên dự giải. Trong đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt được đánh giá là hoàn toàn có thể thay thế các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, trưởng ban tổ chức giải thưởng, cho rằng qua 6 năm nay, chương trình đã trở thành cầu nối tin cậy giữa những đơn vị có nhu cầu cao về đảm bảo ATTT với các tổ chức ATTT tại Việt Nam. Ngoài những ý nghĩa thiết thực ấy, kết quả chương trình bình chọn còn giúp cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ nét hơn về tình trạng của sản phẩm dịch vụ ATTT và đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cũng lên tiếng khẳng định rằng các sản phẩm đoạt giải cho thấy sự đã kiểm chứng, đo lường, công nhận, và sẽ được người dùng lựa chọn rộng rãi.
Tuy nhiên theo Cục trưởng Phúc, các sản phẩm trong nước vẫn có xu hướng là doanh thu thấp hơn các sản phẩm nước ngoài. Do vậy, sản phẩm "Make in Vietnam" cần tiếp tục tận dụng những ưu thế sẵn có để cạnh tranh với những sản phẩm nước ngoài.
Danh sách đơn vị đạt Danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2021:
1. Công ty An ninh mạng Viettel
2. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ( VNPT)
3. Công ty TNHH An ninh An toàn thông tin CMC
4. Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT
5. Tổng công ty viễn thông Mobifone
6. Công ty Cổ phần Bkav
7. Công ty Cổ phần Phát triển phần mềm và Hỗ trợ công nghệ (Misoft)
8. Công ty cổ phần công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS)
9. Công ty cổ phần công nghệ thẻ Nacencomm
10. Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS
11. Công ty cổ phần công nghệ tin học EFY Việt Nam
12. Công ty cổ phần công nghệ Giải pháp quốc tế VNCS
13. Phòng thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin/ Bộ Tư lệnh 86
14. Học viện Kỹ thuật Quân sự
15. Công ty Cổ phần Mắt bão
16. Công ty cổ phần CyStack Việt Nam