Chất lượng Internet băng rộng ADSL đang bị thả nổi!

Rớt mạng, truy cập lúc được lúc không, cứ chập chờn; nói là dịch vụ Internet băng rộng ADSL nhưng tốc độ truy cập có lúc còn thua dịch vụ Internet bằng modem 56Kbps... Đó là những lời phàn nàn thường xuyên của rất nhiều người sử dụng dịch vụ ADSL.

Chỉ cam kết tốc độ tối đa

 

Internet là dịch vụ viễn thông nằm trong danh mục bắt buộc quản lý chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ truy cập Internet bằng ADSL vẫn chưa được Bộ Bưu chính - viễn thông (BC-VT) hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, quản lý chất lượng.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vẫn cứ khăng khăng không cam kết tốc độ tối thiểu đối với dịch vụ ADSL mà chỉ cam kết tốc độ truy cập tối đa. Lý do họ đưa ra vì loại dịch vụ này được xây dựng trên cơ sở dùng chung, nếu đông người sử dụng thì tốc độ truy cập sẽ chậm là điều tất yếu (?!).

 

Càng đông người sử dụng cùng lúc thì tốc độ sẽ càng chậm. Nhưng giới chuyên môn cho rằng việc cam kết tốc độ kết nối tối đa hầu như không có ý nghĩa, thậm chí còn gây hiểu nhầm, tạo ảo tưởng cho người sử dụng. Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo tốt hơn nếu như các nhà cung cấp dịch vụ cam kết tốc độ truy cập tối thiểu.

 

Một cán bộ của Sở BC-VT TPHCM cho biết các đại lý Internet hiện nay cũng đang gặp khó khăn về chất lượng dịch vụ không ổn định, chập chờn... Trước phản ảnh này, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn giữ cách lý giải “một đường ADSL sẽ không đảm bảo chất lượng nếu cho nhiều người sử dụng cùng trong một thời điểm”.

 

Tuy nhiên, ông Mai Sung - phó tổng giám đốc Công ty FPT Telecom - lý giải bản chất ADSL là khó đảm bảo tính ổn định do sử dụng cáp đồng; sợi cáp treo một thời gian trong điều kiện mưa nắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng truyền dẫn ngay. Vì vậy, thông thường mùa mưa tỉ lệ rớt mạng nhiều hơn những thời điểm khác.

 

ADSL: chưa bắt buộc quản lý chất lượng

  

Theo thống kê, chỉ riêng TPHCM hiện có khoảng 140.000 thuê bao ADSL, chủ yếu do Netsoft, FPT và Viettel cung cấp. Theo dự báo của giới chuyên môn, với tốc độ phát triển như hiện nay, số thuê bao ADSL tại TPHCM sẽ nhanh chóng đạt con số 200.000 trong năm nay.

 

Nhưng sự phân bố thuê bao ADSL lại không đều, có khu vực tập trung quá nhiều, khu vực khác lại thưa thớt... nên dẫn đến có hiện tượng tắc nghẽn cục bộ đường truyền. Ngoài ra, dịch vụ ADSL hiện không mang lại lợi nhuận cao, nên “việc đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng tốc độ thuê bao phát triển nhanh chóng không được các nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng”.

 

Cũng theo ông Mai Sung, chất lượng và độ ổn định của dịch vụ

Một cơ quan chuyên môn đã khảo sát trên 500 đại lý Internet công cộng (VNN, FPT, Viettel) tại TPHCM. Kết quả cho thấy có trên 50% số đại lý Internet được khảo sát cho rằng sự chăm sóc, hỗ trợ đại lý từ các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) chỉ ở mức trung bình.

 

Rất nhiều đại lý Internet công cộng phàn nàn các ISP thiếu sự quan tâm và nhanh chóng khắc phục sự cố mạng, đường truyền chậm, mạng không ổn định… khi các đại lý có thông báo với các ISP. 

ADSL còn phụ thuộc kỹ thuật giăng kéo mạng cáp, nếu đường dây kéo đến nhà thuê bao quá dài sẽ ảnh hưởng đến tốc độ truyền dẫn và độ ổn định của dịch vụ.

 

Lãnh đạo Sở BC-VT TPHCM cho biết hiện nay một số dịch vụ viễn thông đã rất phổ biến và được cung cấp đại trà nhưng chưa có qui định quản lý chất lượng, cụ thể: dịch vụ điện thoại VoIP (điện thoại cố định trên nền Internet); mạng cáp ngoại vi; dịch vụ truy cập Internet băng rộng ADSL.

 

Lãnh đạo Sở BC-VT TPHCM cho rằng cần nhanh chóng đưa các loại dịch vụ này, đặc biệt là dịch vụ ADSL đang được bán rộng rãi, vào danh mục bắt buộc quản lý chất lượng, đồng thời công bố rộng rãi những tiêu chuẩn mà các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải tuân thủ.

 

Sở BC-VT TPHCM cũng nhấn mạnh: ngoài chất lượng dịch vụ điện thoại di động, gần đây chất lượng dịch vụ ADSL đang là vấn đề nổi cộm.

 

Theo ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở BC-VT TP - trang bị thiết bị đo kiểm chất lượng các loại dịch vụ viễn thông nói chung và ADSL nói riêng không quá khó khăn, có thể trang bị được, nhưng cái chính là phải có qui định, phân định trách nhiệm rõ ràng giữa cấp trung ương và địa phương trong việc kiểm tra, quản lý chất lượng dịch vụ.

 

Câu hỏi bức xúc đang đặt ra: chất lượng dịch vụ ADSL - một loại dịch vụ đã rất phổ biến, rất nhiều người dùng - còn bị thả nổi đến bao giờ?

 

Theo Giáng Hương

Tuổi trẻ