“Cha đẻ” của đĩa CD qua đời ở tuổi 81
(Dân trí) - Cựu chủ tịch hãng Sony, ông Norio Ohga, người đã có công làm nên một cuộc “cách mạng” trong ngành công nghiệp âm nhạc với sự phát triển của định dạng đĩa CD đã qua đời ở tuổi 81.
Tốt nghiệp trường âm nhạc, ông Norio Ohga đã giữ chức chủ tịch Sony từ năm 1982 đến năm 1995. Trong cương vị của mình, ông Norio Ohga đã dẫn dắt nhà sản xuất điện tử Nhật Bản thành một đế chế giải trí toàn cầu trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và trò chơi máy tính.
Tài năng của ong Ohga đã được phát hiện khi còn là sinh viên khi ông phàn nàn về chất lượng của máy ghi âm băng từ Sony.
“Bằng cách định vị lại Sony phải là một công ty sản xuất cả về phần cứng lẫn phần mềm, ông Norio Ohga đã đạt được thành công trong khi các công ty khác của Nhật thất bại”, Howard Stringer, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Sony phát biểu trong một tuyên bố.
“Không có gì quá đáng khi nói rằng chính nhờ tầm nhìn xa của ông Norio Ohga mà Sony đã làm nên được cuộc cách mạng từ các sản phẩm audio, video cho đến âm nhạc, phim ảnh và game để trở thành tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới”.
Cùng với sự phát triển của định dạng đĩa CD, ông Ohaga còn chỉ đạo các cuộc đàm phán của Sony với CBS vào năm 1968. Kết quả là sự ra đời của hãng giải trí CBS/Sony Records và là bộ phận Sony Music Entertainment hiện nay.
Quyết định thâu tóm hãng phim Columbia Pictures với giá 3,4 tỷ USD trong năm 1989 của ông Ohga đã củng cố vị thế của Sony thành một tập đoàn giải trí hùng mạnh. Ban đầu, quyết định này đã vấp phải những chỉ trích cho rằng một hãng phim Hollywood không nên được bán cho một công ty Nhật Bản.
Ông Ohga cũng là người thiết kế logo của Sony và đưa hãng này nhảy vào thị trường game video.
Năm 1993, ông Ohga đã ra mắt bộ phận Sony Computer Entertainment, nhảy vào một lĩnh vực mà Nintendo và Sega đang chia nhau thống trị.
Bất chấp những hoài nghi ngay cả trong nội bộ Sony, máy chơi game cầm tay PlayStation đã chính thức được trình làng vào năm 1994 và trở thành một mảng kinh doanh cốt lõi của Sony.
Sự nghiệp của ông Ogha bắt đầu sau khi ông được tiếp cận với Công ty kỹ nghệ viễn thông Tokyo, vốn là tiền thân của hãng Sony. Trong quá trình này, ông đã chỉ ra những thiếu sót của máy ghi âm do Sony sản xuất và đề xuất cách cải thiện thiết bị này.
Ấn tượng với sự hiểu biết của ông Ohga, những người đồng sáng lập Sony là Masaru Ibuka và Akio Morita đã quyết định đưa ông Ohga vào vị trí một nhà tư vấn vào năm 1953. Lúc này, ông Ogha vẫn đang theo học tại trường Đại học Mỹ thuật âm nhạc quốc gia Tokyo.
Dưới sự lãnh đạo của ông Ohga, Sony đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc với định dạng đĩa CD trong năm 1982, mở đường cho các định dạng kỹ thuật số khác sau này như DVD và Blu-ray.
Ông Ohga đã tạo ra định dạng 12 cm với 75 phút ghi âm trên một đĩa CD, thời lượng đủ để ghi một Bản giao hưởng số 9 của Beethoven mà không bị gián đoạn.
Trong khi đĩa CD đạt được thành công lớn thì ông Ohga lại gặp thất bại khi định dạng băng video Betamax của Sony không đủ sức cạnh tranh nổi định dạng đối thủ VHS. Băng video VHS sau đó đã trở thành định dạng tiêu chuẩn tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Ohga đã chứng tỏ được tầm nhìn của mình khi thúc đẩy mảng kinh doanh game video với sự ra mắt của má chơi game cầm tay PlayStation bất chấp với những chỉ trích trong chính nội bộ hãng Sony.
Ý thức được tầm quan trọng của hình ảnh thương hiệu, ông Ohga đã thiết kế logo Sony và luôn luôn nhấn mạnh rằng “bốn chứ cái Sony” là tài sản lớn nhất của công ty.
Ông Ohga nghỉ hưu vào năm 2000 khi đang giữ chức chủ tịch Sony. Ông được xem là “hiện thân của tinh thần Sony”.
Không bao giờ quên tình yêu dành cho âm nhạc, ông Ohga đã kết bạn với nhạc trưởng người Áo Herbert von Karajan và xây dựng một dàn nhạc riêng của mình.
Sau khi nghỉ hưu, ông Ohga đã tặng số tiền khoảng 1,6 tỷ yên (tương đương 20 triệu USD) để xây dựng một phòng hòa nhạc ở khu nghỉ mát tại Karuizawa, nơi ông điều trị y tế một thời gian dài.
Ông Ohga cũng giữ vị trí chỉ huy giàn nhạc giao hưởng Tokyo từ năm 1999 và là người đứng đầu phòng hòa nhạc Tokyo Bunka Kaikan.
Nhật Bản đã ghi nhận những đóng góp của ông Ohga bằng nhiều danh hiệu quốc gia cao quý. Pháp cũng trao tặng ông Ohga huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Võ Hiền
Theo AFP