CEO Nguyễn Tử Quảng: Các tập đoàn VN hoàn toàn có thể như Samsung hay LG

(Dân trí) - CEO Nguyễn Tử Quảng đề xuất Bộ TT&TT tư vấn cho chính phủ chọn ra 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển nền công nghiệp. Các tập đoàn VN hoàn toàn có thể như Samsung và LG đã đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế và KHCN của Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất nội địa vươn lên để chiếm thị phần từ các tập đoàn toàn cầu

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay, 16/1/2019, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành cường quốc về công nghệ, một nước công nghiệp phát triển.

Theo ông Quảng, để đạt được mục tiêu đó, Bộ TT&TT có thể tư vấn cho chính phủ chọn ra 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển. "Hàn Quốc là đất nước xây dựng thành công các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với các công ty mũi nhọn là Samsung, LG, đã có doanh thu trên 300 tỷ USD, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế và KHCN của Hàn Quốc. Trung Quốc đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn như Huawei, Xiaomi... các doanh nghiệp này đã làm chủ và sở hữu các công nghệ lõi và từng bước chiếm lĩnh thị phần smartphone nội địa vốn trước đó thuộc về Samsung", Chủ tịch Bkav lấy ví dụ về những thành công từ các nước khác. "Từ bài học kinh nghiệm thành công từ Hàn Quốc và Trung Quốc, chúng tôi thấy Việt Nam nên đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn. Điều này giúp các công ty mũi nhọn có đủ tiềm lực cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới".

"Tập đoàn công nghệ Bkav sau 9 năm nghiên cứu đã cho ra mắt điện thoại Bphone thế hệ thứ 3, chiếc smartphone cao cấp "Made in Việt Nam". Gần đây thị trường smartphone Việt Nam còn có thêm sự tham gia của tập đoàn VinGroup. Như vậy Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có thể làm chủ việc sản xuất smartphone từ sản phẩm giá rẻ đến sản phẩm cao cấp", CEO Bkav tự tin nói. "Các nhà sản xuất smartphone Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại câu chuyện từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất nội địa vươn lên để chiếm thị phần từ các tập đoàn toàn cầu, từ đó làm bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu. Các tập đoàn Việt Nam hoàn toàn có thể tương tự Samsung hay LG của Hàn Quốc.

CEO Nguyễn Tử Quảng: Các tập đoàn VN hoàn toàn có thể như Samsung hay LG - Ảnh 1.

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT.

Riêng với BKAV, mục tiêu đến năm 2023 sẽ giành được 34,7% thị phần tại Việt Nam, tương đương với doanh thu 2 tỷ USD, làm nền tảng để phát triển và mở rộng ra thị trường toàn cầu. Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi vì ngay tại thị trường Trung Quốc thì đến khi phát triển bùng nổ, các doanh nghiệp của Trung Quốc hoàn toàn có thể thay thế được Samsung và Apple.

Ông Quảng lấy dẫn chứng, ngay tại Việt Nam, khi Oppo năm đầu tiên vào thị trường Việt Nam, họ chỉ có 1% thị phần, nhưng đến lúc phát triển bùng nổ, năm thứ hai họ đã có 7% thị phần, năm thứ 3 có 17% và đến nay họ có 23% thị phần tại Việt Nam.

"Với chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng lực công nghệ lõi tốt hơn cùng với sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ, để chúng tôi thúc đẩy phát triển thương mại để có niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi đã có chất lượng rồi, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn chưa nhiều niềm tin. Nếu như có niềm tin vào điều đó, chúng tôi hoàn toàn tin rằng các doanh nghiệp nội địa có thể lấy lại thị phần các doanh nghiệp toàn cầu như Samsung, Apple hay các doanh nghiệp Trung Quốc…", ông Quảng tự tin.

Khó tiếp cận về vốn vì khó định giá

Tuy nhiên, theo ông Quảng, một vấn đề lớn cần tháo gỡ đối với các doanh nghiệp công nghệ là cơ chế tiếp cận tín dụng. "Hiện nay cơ chế tín dụng truyền thống đang áp dụng tại các ngân hàng ở Việt Nam chỉ phù hợp với các lĩnh vực có các tài sản hữu hình như bất động sản hay thương mại.... nhưng chưa thuận lợi với các hoạt động sản xuất và kinh doanh các hoạt động công nghệ, vốn có các đặc thù riêng so với các loại hình phổ biến khác tại Việt Nam", CEO Bkav cho hay. "Trong hơn 9 năm nghiên cứu sản xuất smartphone, Bkav đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và tất cả đều là tiền của Bkav chứ không dùng đến tiền ngân hàng. Nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng để sắp tới chúng tôi có kế hoạch thúc đẩy thị trường bùng nổ thì chúng tôi cần nguồn tín dụng khoảng 200 tỷ là một điều rất khó khăn."

CEO Nguyễn Tử Quảng: Các tập đoàn VN hoàn toàn có thể như Samsung hay LG - Ảnh 2.

Theo người đứng đầu Bkav, điều này là bởi vì kết quả nghiên cứu của các công ty công nghệ là smartphone hay các sản phẩm công nghệ cao... rất khó để có thể định giá so với các tài sản hữu hình, ví dụ như bất động sản, vốn được định giá dễ hơn. Không chỉ Bkav mà cả các doanh nghiệp công nghệ khác tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn này.

Ông Quảng đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, đề xuất với chính phủ để tháo gỡ các khó khăn về cơ chế tín dụng. Tại Hàn Quốc có một ngân hàng với tên gọi Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, hỗ trợ rất tốt, có nhiều hiểu biết về công nghệ và có cơ chế để cấp vốn cho các công ty công nghiệp.

Trước những đề xuất của Bkav, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong thời gian tới đích thân ông cùng các đồng nghiệp sẽ gặp gỡ và trao đổi với các ngân hàng để làm vai trò tư vấn, là đơn vị đứng giữa để định giá cho các sản phẩm công nghệ.

Nói về những nỗ lực của Bkav trong thời gian qua sau 3 thế hệ Bphone, Bộ trường Hùng đánh giá cao sự quyết tâm của Bkav. Tuy nhiên, vị tổng tư lệnh ngành cho rằng dù khẳng định sản phẩm mình của tốt. Năng lực sánh ngang với các hãng nước ngoài nhưng thực tế các con số mới là nói lên tất cả. "Phải hiện thực hoá bằng thị trường. Thị trường là đánh giá cuối cùng chứ không phải là do trung tâm đo lường của Bộ đánh giá", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khôi Linh - Quang Huy