Câu chuyện đằng sau chiếc S Pen
Với người dùng Samsung, đặc biệt là dùng những dòng smartphone đỉnh cao, các ứng dụng S Note, Knox, Smart Switch… đã trở nên quá quen thuộc. Nhưng không nhiều người biết, những ứng dụng này một phần quan trọng do chính các kỹ sư Việt Nam sáng tạo ra ngay tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC).
Vẫn biết ở tòa nhà PVI Tower (Hà Nội) có Trung tâm R&D của Samsung được đặt ở đấy, nhưng đến thăm rồi mới ngỡ ngàng trước sự bề thế của nó. 1.500 kỹ sư của SVMC đang chiếm trọn 8 tầng lầu của tòa nhà này. Mỗi tầng mang một sắc màu riêng, rực rỡ, nhưng đều giống nhau ở một điểm: an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, để đảm bảo mọi nghiên cứu, sáng tạo trong Trung tâm được bảo mật tuyệt đối.
Càng ngỡ ngàng hơn khi Đỗ Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý dự án tại SVMC bảo rằng, nhiều ứng dụng cho các dòng sản phẩm của Samsung, đặc biệt là các ứng dụng cho S Pen, trang bị sáng giá nhất trên dòng Galaxy Note 5 mới ra mắt của Samsung, một phần quan trọng là do các kỹ sư của SVMC thiết kế.
Câu chuyện đằng sau chiếc S Pen
Thực ra cũng không chỉ là S Pen dành cho Note 5, ngoại trừ S Pen những thế hệ đầu tiên - ra đời cùng với Galaxy Note vào năm 2011, do các kỹ sư của Trung tâm R&D bên Hàn Quốc thiết kế ứng dụng, kể từ khi được thành lập vào năm 2012, các kỹ sư của SVMC đã bắt đầu tham gia vào quá trình này.
“Ban đầu được giao làm, anh em chúng tôi cũng lo lắm, vì đây là nền tảng hoàn toàn mới, chúng tôi thậm chí còn chưa có ý niệm gì về S Pen. Nó quá xa lạ với người Việt Nam. Vì thế, phải đi Hàn Quốc, đi Ấn Độ học tập, rồi sang cả Bangladesh..., cuối cùng cũng thành công”, ông Dũng chia sẻ và cho biết, “bộ óc toàn cầu” của Samsung đã thiết kế nên các ứng dụng cho S Pen, chứ không riêng gì SVMC. Nhưng càng ngày, đóng góp của các kỹ sư Việt Nam cho các ứng dụng như S Note, cũng như “mạng xã hội” PEN.UP, nơi những người dùng S Pen thỏa sức chia sẻ các sáng tạo nghệ thuật cá nhân, càng lớn.
S Pen là thiết bị gắn với dòng Galaxy Note của Samsung, nhắc đến Galaxy Note là nhớ đến S Pen và ngược lại. Cũng vì có chiếc bút cảm ứng độc đáo này, dòng Galaxy Note của Samsung luôn tìm được chỗ đứng riêng của mình trên thị trường smartphone toàn cầu.
Và kể từ năm 2011 đến nay, trải qua hơn 4 năm phát triển, bút S Pen ngày càng trở nên hoàn thiện. Đặc biệt, S Pen trên Galaxy Note 5 đã có những tiến bộ vượt bậc so với S Pen dùng cho thế hệ Note đầu tiên. Cảm giác viết trên màn hình ngày càng giống như viết bằng bút thật, mượt nhẹ nhưng lại chắc chắn với từng nét chữ. Có được điều đó, một phần là nhờ các kỹ sư của SVMC đã “thổi hồn” vào chiếc bút này.
“Ban đầu, chỉ có khoảng 12 kỹ sư lo dự án S Pen, nhưng hiện nay, chúng tôi có khoảng 150 kỹ sư chuyên thực hiện dự án này. Mỗi khi các sản phẩm dòng Galaxy Note sắp ra mắt, là lúc chúng tôi bận rộn nhất, có khi phải làm việc 24/24h”, Đỗ Đức Dũng chia sẻ.
Nhưng S Pen không chỉ là chiếc bút nhiều tính năng gắn liền với dòng Note, nó còn là tên gọi của một bộ công cụ phát triển phần mềm (Pen SDK) dành cho các nhà phát triển ứng dụng thứ ba trên toàn cầu. Những nhà phát triển sẽ dùng bộ công cụ này để làm ra rất nhiều những phần mềm đa dạng và tận dụng được những ưu điểm của chiếc bút S Pen. Vì thế, theo Đỗ Đức Dũng, áp lực của các kỹ sư SVMC còn lớn hơn nhiều lần, khi phải thiết kế, sáng tạo các sản phẩm và đưa ra thị trường bên ngoài đúng hạn.
“Năm ngoái, chúng tôi còn được Tập đoàn tin tưởng được giao cho làm dự án hợp tác với Monblanc, hãng bút danh giá của Đức. Khác với các ứng dụng dành cho S Pen khác, là sự kết hợp bộ óc toàn cầu của Samsung, trong đó các kỹ sư Việt Nam là chủ lực, thì dự án hợp tác với Monblanc do các kỹ sư Việt Nam làm toàn bộ”, Đỗ Đức Dũng tự hào nói và kể rằng, khi mới được giao nhiệm vụ, các kỹ sư ở SVMC ai cũng lo. Nhưng rồi sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu và nỗ lực, thành công đã vượt ngoài mong đợi.
Kết quả, tháng 9 năm ngoái, cùng với việc ra mắt Galaxy Note 4, Samsung cũng đã chính thức công bố việc hợp tác với Monblanc để cho ra mắt hai sản phẩm bút điện tử Pix và e-StarWalker, dùng cho dòng sản phẩm Galaxy Note và Tab của Samsung.
Sự kết hợp giữa hai thương hiệu hàng đầu này đã thu hút được chú ý không chỉ của những người mê thương hiệu bút nổi tiếng này, mà còn cả giới công nghệ. Nhiều người còn cho rằng, Samsung và Montblanc đã tạo ra “một cuộc cách mạng trong lịch sử ngành công nghiệp bút”. Chỉ riêng các kỹ sư của SVMC lặng lẽ cười và tự hào vì thành quả của mình, tự hào vì trí tuệ Việt.
Samsung và sức mạnh của trí tuệ Việt
Ngoài S Pen đã quá nổi tiếng, người dùng Samsung có lẽ cũng không xa lạ với Knox - một ứng dụng bảo mật được đánh giá rất cao, hay Smart Switch, một công cụ cực kỳ hữu dụng để chuyển đổi dữ liệu từ chiếc điện thoại đang dùng sang chiếc điện thoại mới, một sự “nâng cấp” lớn từ phần mềm Kies hạn chế trước đây. Nó cũng là những sản phẩm từ “bộ óc toàn cầu” của Samsung, nhưng đến nay đóng góp của SVMC đã lên tới 70-80% trong đó.
Smart School, giải pháp phần mềm cho lớp học thông minh của Samsung cũng tương tự, đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, nhờ vào sự giúp sức của các kỹ sư SVMC. Chia sẻ với chúng tôi, các kỹ sư của SVMC cho biết, đó chỉ là một trong số các ứng dụng mà SVMC tham gia. Kể từ khi thành lập vào năm 2012 đến nay, SVMC đã tham gia thực hiện khoảng 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu cùng tham gia với các nước, số còn lại là các dự án phần mềm thương mại hóa do các kỹ sư của SVMC làm chủ.
“Chúng tôi làm việc dựa trên đặt hàng của Tập đoàn, để thiết kế các ứng dụng dùng chung cho thị trường toàn cầu hoặc cho khu vực, thậm chí là riêng cho thị trường Việt Nam, ví dụ các ứng dụng cho Galaxy V”, Đỗ Đức Dũng cho biết.
SVMC được thành lập với nhiệm vụ được giao là chịu trách nhiệm cung cấp phần mềm cho các sản phẩm điện thoại của Samsung, và cả phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng LTE tại khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand. Tính trên khắp thế giới, Samsung cũng chỉ có 25 trung tâm R&D chuyên thực hiện nghiên cứu về mảng điện thoại như vậy.
“Nhìn trên biểu đồ, toàn bộ thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand đang chiếm 10% thị phần điện thoại Samsung trên toàn cầu. Tức là toàn bộ phần mềm được SVMC nghiên cứu và phát triển chiếm 10% thị phần phần mềm toàn cầu của Samsung”, ông Dũng lý giải.
Hiện SVMC có 1.500 kỹ sư, trong đó chỉ có 5 người là người nước ngoài. Điều đó có nghĩa rằng, tất cả những phần việc mang tính sáng tạo nhất của Trung tâm cũng đều do người Việt đảm nhận. “Chúng tôi đủ trình độ để làm việc ở bất cứ trung tâm R&D chuyên nghiên cứu về phần mềm nào của Samsung. Thực tế thì có nhiều bạn vẫn được điều chuyển đến các trung tâm khác để làm việc theo từng dự án”, ông Dũng cho biết.
Samsung ngay từ khi xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên ở Bắc Ninh, với vốn đầu tư 670 triệu USD, đã cam kết chi một ngân khoản không nhỏ cho công tác R&D. Thực tế thì để được hưởng ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, Samsung buộc phải thực hiện cam kết này. Bởi thế, khi Samsung liên tục tăng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD, 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh, rồi đầu tư 5 tỷ USD ở Thái Nguyên, mở thêm tổ hợp 1,4 tỷ USD tại TP.HCM, nhiều người vẫn nghi ngờ, Samsung chỉ đầu tư cho R&D cho “có lệ” để thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Nhưng những gì được chứng kiến ở SVMC cho thấy, Samsung đã đầu tư hoàn toàn nghiêm túc và bài bản cho công tác R&D tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, số lượng nhân viên làm việc tại SVMC sẽ đạt con số 2.600 vào năm 2018. Đó là còn chưa kể tới 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên hiện đang tham gia vào các hoạt động R&D tại hai tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh. Như vậy, tính đến năm 2018, số nhân viên tham gia vào hoạt động R&D của Samsung tại Việt Nam ít nhất sẽ là 4.600 người.
Samsung thậm chí đã tính đến việc xây một trung tâm R&D tại Hà Nội, chứ không phải là sử dụng địa điểm đi thuê như hiện nay. Với quy định của pháp luật hiện hành, là chi 0,5% doanh thu thuần và 2,5% nhân lực cho công tác R&D, thì chắc chắn, thời gian tới, trung tâm R&D của Samsung ở Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Lúc ấy, sẽ còn nhiều điều bất ngờ chờ đón ở SVMC, chứ không chỉ là những câu chuyện đằng sau chiếc bút S Pen nữa.