Cảnh báo thư giả mạo tiếp tục hoành hành

(Dân trí) - Không chỉ giả mạo Google, mới đây, Kaspersky Lab đã phát hiện thêm một email mới gửi đến người dùng giả mạo một thương hiệu cà phê nổi tiếng. Điều đặc biệt là tập tin đính kèm có chứa biến thể của một trong những dòng phần mềm gián điệp nổi tiếng nhất Zbot (ZeuS).

Một email giả mạo thương hiệu cà phê nổi tiếng tấn công người dùng. 
Một email giả mạo thương hiệu cà phê nổi tiếng tấn công người dùng. 

Theo đó, nội dung thư giả mạo gửi đến người dùng cho biết: “Một vài giờ trước, một người bạn của người nhận thư đã đặt dịch vụ của cửa hàng Starbucks để chúc mừng một sự kiện đặc biệt của người này. Người bạn bí ẩn này muốn được giấu tên, gửi những lời mời cùng thực đơn chi tiết nằm trong tập tin đính kèm, và mong khách mời sẽ có một buổi tối thật bất ngờ”.

Khi người dùng click vào tập tin đính kèm là một file .exe và tội phạm mạng không nỗ lực để che giấu nó với một kho lưu trữ hoặc mở rộng gấp đôi tên tập tin. Chúng dường như chắc chắn người nhận sẽ mở tập tin đính kèm mà không cần bất kỳ sự nghi ngờ. 

Kaspersky Lab phát hiện các tập tin đính kèm Rootkit.Win32.Zbot.sapu - một biến thể của một trong những dòng phần mềm gián điệp nổi tiếng nhất Zbot (ZeuS) được sử dụng để ăn cắp thông tin bí mật. Phiên bản này của Zbot có thể cài đặt một rootkit Rootkit.Win32.Necurs hay Rootkit.Win64.Necurs, phá vỡ chức năng chống virus hoặc các giải pháp bảo mật khác trên máy tính nạn nhân. Hơn hết, tất cả tin nhắn được gửi đi một cách nghiêm túc. Ngoài ra, địa chỉ thư được tạo từ các dịch vụ mail miễn phí là Gmail và Yahoo!, thay đổi theo từng tin nhắn và có vẻ được tạo ra bằng sự kết hợp ngẫu nhiên, ví dụ như incubationg46@, mendaciousker0@...

Theo Kaspersky Lab, tội phạm mạng thường sử dụng các thư giả mạo để lừa người dùng mở các tập tin đính kèm độc hại (phishing mail), cuộc tấn công mới đây dựa trên những tin nhắn giả mạo gửi từ chuỗi cà phê nổi tiếng trên đã kết hợp cả hai hình thức: tin nhắn từ một thương hiệu quen thuộc (ngân hàng, mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ hay các tổ chức khác có thể thu hút đối với người nhận); và tiêu đề thư mang nội dung hấp dẫn hay cảnh báo. 

Trao đổi với Dân trí, Bà Võ Dương Tú Diễm, đại diện Kaspersky tại VN khuyến cáo, người dùng cần hết sức cảnh giác với các thư điện tử đáng ngờ được gửi đến hộp thư của mình. Không tải về các tập tin đính kèm và không đăng nhập bất kỳ tài khoản email hay tài khoản ngân hàng theo các liên kết kèm theo các email đáng ngờ. Người dùng nên kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ về email mình được nhận nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình. Ngoài ra, người dùng cần cẩn trọng với các nội dung luôn thúc ép người đọc: tải tập tin đính kèm hoặc xác thực tài khoản email, ngân hàng hoặc thẻ tín dụng thông qua một liên kết từ các email này dẫn đến các trang giả mạo trông rất giống với giao diện các trang web chính thứcLời chào đầu thư chung chung: Dear Customer, Dear Member...

Phan Tuấn