Cảnh báo hình thức lừa đảo thẻ nạp điện thoại qua Facebook
(Dân trí) - Thời gian qua một thông tin được lan truyền trên Facebook về cách thức nạp thẻ điện thoại của nhà mạng Viettel với số tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp. Tuy nhiên trên thực tế đây chỉ là một hình thức lừa đảo và không ít người đã bị “mắc câu”.
Trên nhiều trang Facebook với lượng người dùng theo dõi lớn thời gian qua xuất hiện thông tin đăng tải với nội dung “Viettel EVN (?) trân trọng thông báo - Nhân dịp 10 năm thành lập Facebook, Facebook cùng với Viettel sẽ tặng cho mỗi người đang chơi Facebook có thể X10 tài khoản của mình…” kèm theo đó là loạt hướng dẫn mua thẻ điện thoại và nạp tiền theo cú pháp “*103*849 768 933 90*mã thẻ#”.
Thậm chí, để tăng thêm tính hấp dẫn, “lời mời gọi” này khẳng định sau nạp tiền theo cú pháp kể trên, thuê bao sẽ nhận được 1.000GB dung lượng truy cập Internet, 500 tin nhắn nội mạng và 1.000 phút gọi, tất cả đều miễn phí. “Lời mời gọi” này cũng gợi ý người dùng nên nạp thẻ có giá trị càng lớn càng tốt để tận dụng “chương trình khuyến mãi”.
Một đoạn nội dung lừa đảo, lấy lý do Viettel bị… hacker để kêu gọi người dùng nạp tiền theo cú pháp
Thông tin về “chương trình khuyến mãi” này được đăng tải lên những trang Facebook có lượng người theo dõi lớn dưới dạng các bình luận hay trên các diễn đàn có lượng người tham gia đông đảo. Thậm chí nhiều trang Facebook "trá hình", mạo danh các ngôi sao, nhân vật nổi tiếng... được lập ra với mục đích lừa đảo cũng thường xuyên đăng tải những nội dung như trên.
Ngoài lý do kỷ niệm thành lập Facebook, nhiều lý do khác được đưa ra như kỷ niệm giải phóng thủ đô (10/10), hay thậm chí lấy lý do hacker tấn công vào Viettel và tìm ra cách thức đặc biệt để… hacker tài khoản và tăng gấp 10 lần giá trị thẻ cáo…
Trả lời về vấn đề này, đại diện Viettel cho biết biết cú pháp được nhắc đến ở trên thực chất là dịch vụ để khách hàng của Viettel nạp giúp hoặc gửi tặng tiền vào tài khoản của người khác, trong đó dãy số “849 768 933 90” chính là số điện thoại của người được nhận tiền, cũng chính là thủ phạm của hình thức lừa đảo kể trên. Nếu khách hàng nào thao tác như hướng dẫn sẽ đồng nghĩa với việc đã vô tình nạp tiền vào số điện thoại của thủ phạm.
Đại diện của Viettel cũng khuyến cáo người dùng không nên tin vào những hình thức quảng cáo hay khuyến mãi không rõ nguồn gốc này. Mọi thông tin về chương trình khuyến mãi của Viettel đều được đăng tải trên trang web chính thức của nhà mạng này cũng như được gửi qua các đầu số chính thức của Viettel.
Nếu phát hiện hay có phản ánh từ khách hàng về tình trạng lừa đảo tương tự, nếu xác minh thấy đúng với phản ánh, Viettel sẽ chặn thuê bao lừa đảo, đồng thời phối hợp với cơ quan an nình để xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo.
Hình thức lừa đảo thẻ nạp điện thoại qua Internet không phải mới mà đã xuất hiện từ lâu. Trước đây khi mạng xã hội Facebook chưa thực sự phát triển như hiện nay, phần mềm chat Yahoo Messenger (YM) luôn là “mảnh đất màu mỡ” của hình thức lừa đảo này. Tuy nhiên, để lừa đảo qua YM cần phải trải qua một quá trình khá tinh vi.
Theo đó, thủ phạm lừa đảo sẽ tìm cách chiếm đoạt một tài khoản YM (bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp mật khẩu), sau đó truy cập vào tài khoản YM này và tìm đến những người bạn của họ nhờ mua thẻ cào và đọc mã số.
Hình thức lừa đảo thẻ cào điện thoại qua YM rất phổ biến trước đây
Nhiều người cả tin tưởng rằng đang chat với bạn của mình (thực chất chat với kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt tài khoản YM) nên không nghi ngờ và mua thẻ cào điện thoại và cung cấp mã số cho thủ phạm lừa đảo, đến khi phát hiện ra sự thật thì đã trễ. Trên thực tế hình thức lừa đảo này khá hiệu quả và không ít người đã mắc phải mánh khóe lừa đảo này.
T.Thủy