Cần trên 250 triệu USD giải quyết điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam

(Dân trí) - Là một trong ba điểm nóng về ô nhiễm dioxin, sân bay Biên Hòa cần ít nhất 250 triệu USD để hoàn thành việc xử lý môi trường ô nhiễm dioxin.

Bộ Quốc phòng đã tiến hành cô lập khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa


Bộ Quốc phòng đã tiến hành cô lập khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa

Tại hội thảo vừa diễn ra tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), do Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, thông tin được đưa ra: Tình trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa là một trong ba điểm nóng ở Việt Nam và kế hoạch tiếp tục xử lý. Với khối lượng đất ô nhiễm tại đây, ước tính vào khoảng 250.000 m3 với nồng độ lên tới 1,180.000 ppt, cần ít nhất 250 triệu USD để hoàn thành công tác làm sạch môi trường

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã tiến hành cô lập 94.000 m3 đất ô nhiễm tại khu vực Z1 và xây dựng kế hoạch tiếp tục cô lập các khu vực ô nhiễm xung quanh khu vực này (thuộc Dự án Z2).

Ngoài ra, Cộng hòa Séc cũng thực hiện một dự án về về thiết kế hệ thống Quan trắc Môi trường và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Đánh giá Môi trường ban đầu ở sân bay Biên Hòa.

Theo báo cáo trong 5 năm qua, UNDP và Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã xác định khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, để hiểu rõ hơn về phạm vi, mức độ và các đặc điểm ô nhiễm đặc trưng của tình trạng ô nhiễm ở đây.

PGS. TS. Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án Quốc gia nhấn mạnh những vấn đề cơ bản liên quan đến môi trường xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa cần được làm rõ trong đánh giá môi trường và đánh giá tác động môi trường của dự án xử lý tổng thể như: Lịch sử ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; đánh giá sự tồn lưu của dioxin tại đây; sự lan tỏa của dioxin từ sân bay Biên Hòa ra bên ngoài; đánh giá môi trường, sức khỏe môi trường và sức khỏe cộng đồng vùng lân cận sân bay và chịu tác động của dự án...

Theo ban tổ chức, tất cả số liệu, thông tin về thực trạng ô nhiễm dioxin và các kết quả nghiên cứu của Dự án GEF-UNDP – Bộ TNMT, bao gồm cả Kế hoạch Tổng thể xử lý đất nhiễm dioxin ở Biên Hòa, đã được bàn giao lại cho Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) để thực hiện những bước tiếp theo.

Phạm Thanh