1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Các hãng công nghệ "chia tay" netbook

Samsung, Dell, HP và Asus công bố “khai tử” netbook, Acer và MSI sắp tới cũng không có kế hoạch cho sản phẩm này... Những động thái này chứng tỏ nhiều hãng công nghệ đã nói lời “chia tay” với netbook.

Lần lượt chia tay netbook

Xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2007, netbook trong thời gian đầu thực sự đã tạo ra cơn sốt. Với ưu điểm nhỏ, gọn và pin khỏe, các sản phẩm của Acer, Asus hay Samsung… liên tục được người dùng đón nhận. Đỉnh cao về số lượng sản phẩm được tiêu thụ của dòng netbook là năm 2010 khi có tới 39,4 triệu chiếc bán ra, chiếm khoảng 11% thị trường máy tính lúc bấy giờ (số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Canalys).

Tuy nhiên, thời gian sau này netbook bắt đầu lộ điểm yếu: cấu hình quá kém, thao tác xử lý chậm; đồng thời với sự xuất hiện của tablet, laptop ultrabook thì lợi thế nhỏ gọn của dòng sản phẩm này đã mất đi. Đến lúc này, nhiều người dùng cũng cân nhắc khi mua sản phẩm và netbook không còn là sự lựa chọn của họ. Đến cuối năm 2011, lượng sản phẩm netbook bán ra đã giảm 25% so với năm 2010 với 29,4 triệu chiếc và số lượng tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2012.
 
Nhiều hãng công nghệ bắt đầu khai tử netbook vì người dùng không còn quan tâm.
Nhiều hãng công nghệ bắt đầu "khai tử" netbook vì người dùng không còn quan tâm.

Chính vì thế, vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, các hãng như Samsung, Dell hay HP đã tuyên bố ngừng sản xuất các sản phẩm netbook để tập trung vào những sản phẩm chiến lược mới như ultrabook, tablet… Và trên thị trường chỉ còn một số hãng theo đuổi sản phẩm này là Asus, Acer và MSI.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, các hãng còn lại cũng quyết định “chia tay” netbook. Trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm Vivobook chạy hệ điều hành Windows 8 được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, ông Jeff Lo, Tổng giám đốc Asus Việt Nam cho biết, Asus sẽ không sản xuất dòng sản phẩm netbook Eee PC nữa, thay vào đó sẽ tập trung cho các sản phẩm laptop và máy tính bảng sử dụng hệ điều hành mới của Microsoft. Đồng thời, ngay sau đó Acer và MSI cũng có động thái rút lui khỏi phân khúc sản phẩm này, khi không đưa ra bất kỳ một kế hoạch nào về netbook.

Cái chết tất yếu
 
Thực tế, việc biến mất của netbook trên thị trường đã được cảnh báo từ trước, khi hàng loạt sản phẩm ultrabook được các hãng công nghệ ra mắt. Những đặc điểm nổi trội của ultrabook khiến cho ưu thế của netbook là sự tiện lợi khi di chuyển, nhỏ, gọn và pin lâu không còn là thế mạnh nữa. Bên cạnh đó, cấu hình của ultrabook cũng mạnh hơn rất nhiều lần so với netbook, khi sử dụng bộ vi xử lí Intel thế hệ mới, chưa kể chất lượng hình ảnh hiển thị cũng sắc nét hơn rất nhiều. Một điểm khiến netbook còn tồn tại được đến thời điểm hiện nay là giá ultrabook còn cao khiến người dùng phân vân.

Giờ đây, với việc Microsoft ra mắt hệ điều hành Windows 8, câu chuyện đã hoàn toàn khác. Những chiếc máy tính xách tay thông thường được thiết kế nhỏ, nhẹ và mỏng hơn, bên cạnh đó còn được tích hợp cấu hình vào loại khá và màn hình cảm ứng với giá khá hợp lý. Chẳng hạn, chiếc Vivobook của Asus, sử dụng bộ vi xử lí Core i3 thế hệ mới, RAM 4GB, ổ cứng 500GB, màn hình 11,6 inch cảm ứng đa điểm, có giá 12 triệu đồng.

Hay hàng loạt máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Windows 8 cũng được các hãng giới thiệu, những chiếc máy tính bảng này đều sử dụng bộ vi xử lí Atom hay Core i cao hơn hẳn so với netbook. Bên cạnh đó, các hãng còn tích hợp bàn phím ngoài đi kèm, biến chiếc máy tính bảng thành một laptop nhỏ gọn và pin lên đến hơn 10 tiếng, rất thuận tiện cho người dùng khi sử dụng.

Trước những xu hướng phát triển đó, doanh số kinh doanh netbook theo đại diện của Asus đã giảm rất mạnh và việc “khai tử” nó gần như là điều bắt buộc. Bởi dòng sản phẩm này đã lỗi thời và không còn tạo được sức hút trên thị trường. Đại diện các hãng công nghệ khác cũng cho biết, họ sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn dòng sản phẩm netbook và kết thúc việc bán sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới khi giải quyết hết hàng tồn kho.

Theo Lê Mỹ
Báo Bưu điện Việt Nam