Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa

(Dân trí) - Bộ Y tế và Bộ TT&TT sẽ bắt tay thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, sẽ tạo nên cú hích để bùng nổ dịch vụ này trong thời gian tới.

Thí điểm khám chữa bệnh từ xa tại 3 bệnh viện

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có các văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Nam, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, trường Đại học Y Hà Nội và bệnh viện Đại học Y Hà Nội về việc phối hợp thực hiện thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa. 

Trên cơ sở đó, thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, hiện giải pháp khám chữa bệnh từ xa hiện đang được Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ và các bệnh viện Đại học Y, Tim Hà Nội và Đa khoa tỉnh Hà Nam triển khai thí điểm.

Bộ TTTT và Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa - 1

Trước đó, tại buổi họp giao ban định kì của Bộ TT&TT ngày 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua, Bộ TT&TT đã đề xuất và thống nhất với Bộ Y tế, ngành TT&TT sẽ hỗ trợ nền tảng khám bệnh từ xa.

Theo đó, khoảng 14.000 cơ sở y tế hiện có sẽ được triển khai hệ thống này để có thể khám bệnh từ xa cho bệnh nhân những bệnh đơn giản, từ đó có thể giảm tải và tránh lây lan dịch bệnh. Chưa kể đến những người dân đều sở hữu smartphone có camera nên có thể sử dụng để tư vấn, khám bệnh từ xa. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã giao Cục tin học hoá làm đầu mối để thực hiện.

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, đây cũng là điều mà ngành Y tế mơ ước và họ nói rằng nếu ngành TT&TT có thể giúp đỡ ngành Y tế như với ngành Giáo dục thì đây sẽ là sự thay đổi mang tính chất cách mạng. 

Tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa tăng vọt trong dịch Covid-19

Thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số giải pháp giúp tư vấn sức khoẻ từ xa trực tuyến như Med247, eDoctor, VOV Bacsi24…Tuy nhiên, nếu như trước đó dịch vụ này ít được người dùng để ý đến nhưng trong dịch Covid-19, tỷ lệ sử dụng đã có sự tăng trưởng vượt bậc. 

Theo đại diện Med247, đơn vị này ra mắt sản phẩm video call trước Tết Nguyên đán, tỉ lệ tăng trưởng hiện tại của dich vụ khoảng 70% so với trước đó và mang lại những tác dụng, hiệu quả tích cực cho người dùng. Đánh giá về quá trình triển khai thời gian qua, đại diện Med247 cho biết đã gặp một số khó khăn nhất định, đầu tiên đến từ thói quen khám trực tiếp của người dùng. "Ban đầu, người dùng vẫn chưa có thói quen hỏi tư vấn qua ứng dụng khi có vấn đề về sức khoẻ, vẫn gọi điện trực tiếp cho bác sĩ mà không qua ứng dụng", đại diện Med247 chia sẻ. 

Còn theo ông Huỳnh Phước Thọ, Phó Giám đốc eDoctor, hiện tại tổng số lượt tham vấn về sức khỏe thông qua nền tảng này là hơn 200.000 lượt. Trong 2 tháng gần đây, số lượng người sử dụng đang tăng lên khoảng 80% so với thời điểm trước đó.

Lý giải cho sự tăng trưởng này, đại diện Med247 và eDoctor đều cho rằng, việc hạn chế tụ tập tại khu vực đông người và tâm lý ngại tiếp xúc của đa số người dân đang tạo xu thế phát triển của các dịch vụ tư vấn trực tuyến, trong đó có việc tư vấn, khám sức khoẻ từ xa. Tuy nhiên, dù là trào lưu trên thế giới từ vài năm trước nhưng tại Việt Nam, do dịch vụ còn mới mẻ nên để người dùng thực sự quen thì cần thêm thời gian

Trên cơ sở đó, đại diện Med247 cho rằng, việc tư vấn sức khoẻ từ xa có thể dễ dàng tiếp cận một lượng lớn tỷ lệ người bệnh mới có các triệu chứng lâm sàng thông qua những hình thức trực tuyến như nghe, hỏi, quan sát bệnh nhân là có thể đánh giá được cơ bản bước đầu, chẩn đoán và đưa đến những tư vấn sơ bộ cho người bệnh, khuyến cáo về thời điểm bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế. Từ đó giúp hạn chế được việc tiếp xúc đông người, giảm tải cho các trung tâm y tế, tăng được hiệu quả phòng dịch hay xa hơn nữa là tăng cường tương tác giữa vùng sâu, vùng xa với bác sĩ tuyến trung ương.

Trong quá trình khám, tư vấn sức khoẻ trực tuyến cũng gặp những khó khăn nhất định, đó là có những diễn biến bất thường phải khám trực tiếp mới có thể phát hiện ra như những bệnh nhân cao huyết áp hay bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền. Ngoài ra, chất lượng âm thanh, đường truyền và hình ảnh khi trực tuyến qua video cal cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các bác sĩ khi tư vấn

Còn theo ông Thọ, để tư vấn sức khỏe hay tiến tới khám chữa bệnh từ xa bùng nổ, chúng ta cần hoàn thiện các công nghệ để bác sĩ biết được nhiều thông tin của người bệnh hơn, ngoài việc kết nối thông qua gọi thoại hoặc gọi video. Sau đó là hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, điều kiện đảm bảo và khung pháp lý từ các cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ KHCN.

Gia Khánh