Bộ TT&TT sẽ cải cách việc cấp phép, quản lý game online

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, việc quản lý thông tin điện tử và game online trong thời gian tới sẽ hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt đẩy mạnh cải cách trong khâu cấp phép và hậu kiểm.

Bộ TT&TT sẽ cải cách việc cấp phép, quản lý game online - 1

Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh cải cách trong cấp phép và quản lý game online. Ảnh minh họa: Internet

Tại hội thảo chuyên đề về "Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới" do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/12/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay, quản lý thông tin điện tử và game online sẽ hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt đẩy mạnh cải cách trong khâu cấp phép và tăng cường hậu kiểm. Các địa phương, các Sở TT&TT phải tăng cường hậu kiểm để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong kinh doanh game online.

“Chính phủ đã quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo. Nếu chúng ta không tạo điều kiện cho doanh nghiệp game online trong nước vô hình chung sẽ dẫn đến bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhắc đến vấn đề "Game lậu là vấn nạn khủng khiếp, Bộ biết nhưng sẽ xử lý từng bước".

Liên quan đến vấn đề quản lý game online, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, hiện có 2 quan điểm mâu thuẫn nhau trong quản lý dịch vụ này. Nhiều ý kiến muốn quản lý chặt game online để con em mình khỏi bị ảnh hưởng, nhưng nhiều ý kiến khác lại coi game online là ngành công nghiệp mới, có xu hướng phát triển mạnh mẽ và mang lại lợi nhuận cao. Một ngành công nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người và mang lại doanh thu khá lớn cho đất nước.

Tuy nhiên, ông Lâm nhận định rằng, Việt Nam vẫn chưa có ngành game đúng nghĩa, hầu hết các sản phẩm game phát hành ở Việt Nam được đi nhập ở nước ngoài về mà phần lớn là nhập từ Trung Quốc, còn số lượng game do chính các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thì rất ít. Cách nhìn nhận về game phải thay đổi để quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Ví dụ, game bắn súng ở Việt Nam thì coi là game bạo lực, nhưng rất nhiều nước trên thế giới coi đây là môn thể thao điện tử. Hiện Tổng cục Thể dục Thể thao muốn chính thức công nhận game bắn súng và một số game khác là một bộ môn thể thao điện tử. Hoặc như game Pocker ở nước ngoài được đánh giá là trí tuệ, có tính giải trí cao thì Việt Nam lại coi đây là game cờ bạc và bị cấm.

“Chính phủ đã đồng ý không hình sự hóa hoạt động cung cấp game trên mạng, theo hướng tiếp cận công nhận các dịch vụ trên mạng, cấp phép để quản lý tốt hơn. Bởi nếu chúng ta không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, người chơi vẫn cứ chơi game của nước ngoài, tiền vẫn trả cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó dẫn đến một nguy cơ lớn hơn là người nước ngoài nắm giữ các dữ liệu cá nhân của người Việt Nam và hiểu rõ về người chơi Việt Nam hơn là các doanh nghiệp Việt”, ông Lâm phân tích.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC hôm 19/12/2016, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc công ty VTC Intecom thẳng thắn cho rằng, chính sách quản lý trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam không giống Trung Quốc, Trung Quốc chặn tất cả các hãng công nghệ lớn của thế giới còn Việt Nam thì có mặt của rất nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt bị quản lý chặt, còn doanh nghiệp nước ngoài thì kiểm soát khó khăn nên hầu như các doanh nghiệp nước ngoài không bị quản lý hoặc quản lý lỏng lẻo.

Cũng theo ông Hưng, ngành nội dung số đóng góp quan trọng trong thay đổi cuộc sống của một nửa dân số Việt Nam. Nội dung số giúp chia sẻ thông tin mọi người, qua các ứng dụng OTT, qua mạng xã hội. Nội dung số thay đổi cách thức quản lý, thay đổi trong cách thức chúng ta học tập, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Thế nhưng, xã hội lại đang nhìn nhận ngành nội dung số theo hướng tiêu cực.

Hơn 10 năm nội dung số chính thức phát triển ở Việt Nam, các doanh nghiệp Việt chưa phát triển đúng với tiềm năng và khả năng. Thị trường nội dung số nhỏ bé hơn rất nhiều so với viễn thông nhưng lại đang dần dần rơi vào tay nước ngoài. Google, Facebook đã lấn át các loại hình quảng cáo trực tuyến, quảng cáo truyền hình truyền thống. Facebook hiện là đơn vị sản xuất nội dung lớn hơn rất nhiều các tờ báo truyền thống ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc kiểm soát thông tin đang nằm trong tay các doanh nghiệp là Apple và Google. Nếu không thay đổi thì 5 năm nữa tất cả loại hình dịch vụ trực tuyến, nội dung số là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với game online, ông Hưng cho rằng, ước tính có khoảng 30% game cung cấp cho thị trường Việt trực tiếp do các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp, chưa kể các sản phẩm game lớn đều có sự chi phối của Trung Quốc. Các doanh nghiệp game lớn như VNG hay Garena đều có sự chi phối của cổ đông là một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp thuần Việt như VTC Intecom sẽ rất khó nếu không có hỗ trợ của nhà nước.

Theo ICTNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm