Bộ TT&TT kiến nghị thử nghiệm dịch vụ Mobile Money trong quý 1/2020
(Dân trí) - Để tạo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, Bộ TT&TT đã kiến nghị sớm cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để tăng trưởng vùng phủ mau chóng đến 100% người dân.
Tại buổi Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mới đây Thường trực Chính phủ đã nói về việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể không đạt mục tiêu do ảnh hưởng của dịch cúm gây ra bởi virus Covid-19. Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, điều đó đồng nghĩa với việc phải có những giải pháp vô cùng mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng là dịp để thúc đẩy các quyết sách, chủ trương mà Việt Nam vẫn còn đang lưỡng lự, để từ đó tạo ra đà tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Mobile Money sẽ tạo nên cú hích rất mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế vì sẽ thúc đẩy việc bán hàng ở vùng sâu vùng xa và thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến ban đầu của Chính phủ phải giữa năm 2020 nhưng để thúc đẩy kinh tế, có thể sẽ sớm cho phép ra mắt dịch vụ Mobile Money dưới dạng thử nghiệm.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, Bộ đã đưa ra kiến nghị mốc thời gian thí điểm Mobile Money là trong quý 1/2020. Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Trước đó, ngày 7/1/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.
Tháng 5/2019, tại Hội thảo về tiền di động với chủ đề: “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Dịch vụ Mobile Money bao gồm việc chuyển tiền và thực hiện, nhận thanh toán sử dụng điện thoại di động. Mobile Money phải cung cấp một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý (không bao gồm chi nhánh ngân hàng và ATM) giúp mọi người tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Mobile Money dành cho phân khúc không sử dụng ngân hàng, ví dụ như những người không tiếp cận với một tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính. Do đó, Mobile Money về bản chất là E-Money hay ví điện tử nhưng không cần liên kết tài khoản ngân hàng.
Về thị trường Mobile Money triển khai trên thế giới từ năm 2018, hiện có 272 dự án tại 90 quốc gia, với 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017. 62 dự án Mobile Money có hơn 1 triệu tài khoản được kích hoạt trong 90 ngày. Số giao dịch qua Mobile Money xử lý hàng ngày lên đến 1,3 tỷ USD.
Gia Khánh