Bộ TT-TT: Game online sẽ được quản toàn diện

(Dân trí) - Tạm dừng cấp phép trò chơi điện tử game online là giải pháp tình thế trong thời điểm hiện nay. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp vừa đưa ra 5 giải pháp để hạn chế triệt để những mặt trái của game online.

Trao đổi với báo giới quan điểm quản lý đối với lĩnh vực trò chơi trực tuyến (game online), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết bắt đầu từ tháng 8, Bộ đã áp dụng 5 nhóm giải pháp đồng bộ với 15 giải pháp cụ thể để hạn chế triệt để những mặt trái của game online.

Bộ TT-TT: Game online sẽ được quản toàn diện - 1
Bộ trưởng Bộ TT-TT nhận định: cần bình tĩnh giải quyết vấn đề quản lý game online. (Ảnh CTV)
 
Trước những đề xuất khá quyết liệt của Sở TT-TT TPHCM và một số địa phương về phương án quản lý game online như: Cấm quảng cáo game online dưới mọi hình thức; Thẩm định lại nhiều game online đã được cấp phép và phát hành; Không nên nhập khẩu trò chơi trực tuyến mới… Bộ trưởng cho rằng, cần bình tĩnh trong phương án quản lý, không nên nóng vội. Bởi không phải cái gì cứ cấm là xong mà phải xử lý đúng luật và đúng xu thế thời đại. “Thế giới họ quản lý được game online thì Việt Nam cũng làm được, thậm chí phải tự tin là ta sẽ làm tốt hơn”- Bộ trưởng nói.
 
5 nhóm giải pháp để quản game online

Trong 5 nhóm giải pháp nêu ra để quản lý game online, Bộ trưởng đã ra quyết định yêu cầu cơ quan cấp phép của Bộ và các doanh nghiệp phải thực hiện ngay nhóm giải pháp tình thế, đó là: Tạm dừng cấp phép trò chơi điện tử game online để rà soát lại cơ chế, chính sách, rà soát lại thực tiễn, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, sau đó xây dựng chủ trương mới.

Cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23h đêm đến 6h sáng. Các đối tượng khác như cơ quan, doanh nghiệp, gia đình... không thuộc diện này; Cấm quảng cáo game bạo lực đầu rơi, máu chảy; game kích dâm; game cờ bac và game xuyên tạc lịch sử; Họp các doanh nghiệp game online để kiểm tra, chỉ đạo sản xuất các sản phẩm game lành mạnh - game về lịch sử truyền thống văn  hóa.

Bộ TT-TT: Game online sẽ được quản toàn diện - 2
Sẽ có những biện pháp đồng bộ để quản lý game online.
 
Ngay sau đó, Bộ sẽ triển khai nhóm giải pháp cơ bản để hoàn thiện khung pháp lý, đó là: hình thành Luật an toàn thông tin trên mạng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới để học hỏi kỹ thuật quản lý vì game online là một vấn đề xã hội mới và chưa có luật

Cụ thể là: Lập cơ quan chuyên trách để lo an toàn thông tin trên mạng bằng việc thành lập Cục an toàn thông tin để  đủ cơ sở pháp lý "lo" vấn đề an ninh trên mạng. Tích cực hợp tác với các tổ chức an ninh mạng thế giới, trong đó nhanh xúc tiến việc tham gia Impact - tổ chức an ninh mạng thế giới (Việt Nam sẽ là thành viên thứ 42. Các nước trong tổ chức này có thiết bị bảo vệ trẻ em). Việt Nam tìm hiểu để có thể áp dụng ngay từ năm 2011.

Ngoài ra, nhóm giải pháp ba trọng điểm thanh kiểm tra sẽ được Bộ triển khai quyết liệt. Cụ thể, nếu doanh nghiệp vi phạm luật sẽ rút giấy phép theo cơ chế “2 thẻ vàng bằng 1 thẻ đỏ”. Vấn đề thanh tra các cơ sở sản xuất game online cũng được kiểm soát kỹ lượng. Theo đó, nếu doanh nghiệp bị phát hiện sản xuất những sản phẩm có tính bạo lực, kích dâm sẽ bị phạt nặng, thu hồi sản phẩm và xem xét rút giấy phép hoạt động.Cùng đó, những đại lý có dấu hiệu hoạt động không tuân thủ quy định cũng sẽ bị xử lý mạnh tay.

Cùng với “hàng rào” pháp luật sẽ được xây dựng khẩn trương nhằm quản lý game online, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đề cập đến ba trách nhiệm phối hợp hành động của các Bộ ngành, chính quyền địa phương và gia đình. Trong đó, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an thì mới thể ngăn chặn đường truyền từ máy chủ đặt tại nước ngoài không lành mạnh vào Việt Nam; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra băng đĩa trôi nổi trên thị trường; Bộ GD-ĐT quản lý toàn bộ đường truyền vào trường học và máy tính trong KTX…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò giám sát và giáo dục của  gia đình và nhà trường đối với các em học sinh rất quan trọng. Bởi luật có nghiêm đến đâu mà thiếu sự phối hợp đồng bộ của gia đình và nhà trường thì cũng khó có thể phát huy đầy đủ tác dụng.

Phạm Thanh