Bộ trưởng Công an: Biến thách thức an ninh mạng thành động lực phát triển

Nam Đoàn

(Dân trí) - Đánh giá an ninh mạng Việt Nam còn nhiều thách thức, thị trường an ninh mạng trong nước vẫn non trẻ, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cần tận dụng tối đa cơ hội, kiến tạo nền công nghiệp an ninh mạng.

Bộ trưởng Công an: Biến thách thức an ninh mạng thành động lực phát triển - 1

Bộ trưởng Lương Tam Quang tại phiên họp của Hiệp Hội An ninh mạng quốc gia.

Chiều tối 16/7, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã chủ trì hội nghị của Hiệp hội nhằm đánh giá những kết quả triển khai công tác an ninh mạng 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Hiệp hội.

Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề an ninh mạng của nước ta còn đối mặt với rất nhiều thách thức như hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, làm lộ dữ liệu cá nhân...

Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh thị trường an ninh mạng Việt Nam còn non trẻ; các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường an ninh mạng còn hạn chế, chưa làm chủ tự chủ được sản phẩm, dịch vụ công nghệ an ninh mạng lõi, nguồn. Điều này vừa đặt ra thách thức vừa tạo ra cơ hội phát triển mới.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Hiệp hội cần tận dụng tối đa cơ hội, kiến tạo thành công nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam và hình thành thị trường an ninh mạng tiên tiến trên thế giới.

Hiệp hội phải thực sự trở thành nơi tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ và những doanh nghiệp hàng đầu về an ninh mạng quốc gia; sứ mệnh lớn sẽ tạo ra cơ hội lớn, không chỉ dẫn dắt doanh nghiệp trong Hiệp hội đi xa hơn, cao hơn mà còn góp phần thực hiện ước vọng đưa quốc gia phát triển hùng cường.

Để làm được điều này, Thượng tướng Lương Tam Quang chỉ rõ, Hiệp hội cần có lộ trình khẩn trương và bắt tay thực hiện ngay những vấn đề thuộc sứ mệnh của mình.

"Hiệp hội cần xây dựng lộ trình cụ thể với tinh thần đoàn kết, chung tay giải quyết hiệu quả những thách thức không gian mạng. Trọng tâm là 2 chiến lược của Hiệp hội về phát triển công nghiệp an ninh mạng tự chủ, tự cường về các sản phẩm, dịch vụ công nghệ an ninh mạng thiết yếu; về cung cấp sản phẩm, dịch vụ, thiết bị, nhân lực bảo vệ hệ thống an ninh mạng quốc gia.

Sớm hình thành cơ chế trong Hiệp hội để huy động trí tuệ tập thể với sự tham gia của các chuyên gia giỏi, đảm bảo an ninh mạng quốc gia; cơ chế phối hợp, ngăn chặn, vô hiệu hóa các trường hợp sử dụng an ninh mạng gây mất an ninh trật tự và thực hiện hành vi phạm tội", Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ. 

Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công an chỉ đạo Hiệp hội cần có định hướng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ an ninh mạng; trước mắt đáp ứng yêu cầu trong nước, hướng tới sớm xuất khẩu ra nước ngoài, tổ chức xúc tiến sản phẩm dịch vụ an ninh mạng Việt Nam với nước ngoài. 

Bộ trưởng Công an: Biến thách thức an ninh mạng thành động lực phát triển - 2

Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà lưu niệm tới các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Hiệp hội trong suốt thời gian qua.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng đề nghị doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong Hiệp hội tích cực tham gia xây dựng luật, chính sách, công nghệ, lan tỏa kiến thức, kỹ năng về an toàn an ninh mạng; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động an ninh mạng của các doanh nghiệp và phát triển an ninh mạng quốc gia.

Tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số, hình thành công dân số, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử mà Bộ Công an cũng đang đi đầu đóng góp, trước mắt là tham gia vào quá trình tư vấn, cố vấn cho Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia; cho Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng.

Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội trong thời gian vừa qua, dù chỉ mới được thành lập được gần 1 năm nhưng đã đóng góp tích cực trong vấn đề tuyên truyền an ninh mạng tới tất cả mọi người, nâng cao nhận thức và tuân thủ của người dân liên quan đến pháp luật an ninh mạng, bảo mật dữ liệu cá nhân trước những phương thức lừa đảo qua không gian mạng.

Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực của toàn thể các thành viên ban chấp hành Hiệp hội, đưa Hiệp hội hoạt động ngày càng nề nếp, hiệu quả.

Đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng

Cùng ngày, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng đã tổ chức Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian mạng, với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia an ninh mạng đã cùng nhau bàn luận, chia sẻ các vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức trong lĩnh vực an ninh mạng quốc gia. 

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chia sẻ: "Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. 

Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Công an: Biến thách thức an ninh mạng thành động lực phát triển - 3

Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng trong năm 2023 (Ảnh: Sơn Minh).

Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác".

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, thời gian gần đây Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Trước những thách thức này, nhiều chuyên gia, tổ chức doanh nghiệp đã đề xuất những giải pháp hướng tới việc bảo vệ và ứng phó với an ninh mạng như đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc kiểm soát, phát hiện tấn công mạng; chủ động ứng phó khủng hoảng khi bị tấn công mạng bằng các tình huống diễn tập; thành lập liên minh ứng phó với tấn công mạng hay những biện pháp bảo vệ an ninh dữ liệu người dùng. 

Bên cạnh đó, Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng.

Mục tiêu của nền tảng là kết nối, chia sẻ thông tin an ninh mạng, giúp chủ động ứng phó sự cố, theo dõi các công cụ, kỹ thuật tấn công mới của tội phạm, cảnh báo sớm về các hiểm họa, hỗ trợ ra quyết định chiến lược, tăng cường các biện pháp bảo vệ.

Theo các chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, để đối phó với tội phạm mạng, chiến lược an ninh mạng hiện đại cần xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính gồm: Phòng thủ chủ động, phát hiện sớm tấn công và phục hồi nhanh. Thực hiện hiệu quả chiến lược này đòi hỏi các tổ chức phải có thông tin kịp thời, chi tiết và chính xác về các mối đe dọa mạng.