Blockchain là "chìa khóa vàng" trong chuyển đổi số

Thế Anh

(Dân trí) - Blockchain có bản chất là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo cách phân tán, minh bạch. Nó được xem là "chìa khóa vàng" cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số khi có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực.

Sáng 14/10, trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TPHCM năm 2022 (WHISE 2022), Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo về vai trò, tiềm năng của công nghệ blockchain với chủ đề "Blockchain trong ứng dụng số đa ngành".

Blockchain là chìa khóa vàng trong chuyển đổi số - 1

Ông Võ Minh Thành - Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: VBA).

"Thủ tướng chính phủ đã ban hành quy định ngày 10/10 là ngày chuyển đổi số hàng năm. Đây cũng là năm đầu tiên TPHCM tổ chức tuần lễ chuyển đổi số. Hiệp hội Blockchain Việt Nam tham gia và đồng hành cùng TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Blockchain, đề xuất nội dung, các vấn đề đặt ra cho các cơ quan chính quyền, từ xây dựng kinh tế - xã hội số và phát triển công nghệ blockchain vào mọi mặt của đời sống", ông Võ Minh Thành - Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, phát biểu tại sự kiện.

Trong những năm gần đây, blockchain nổi lên với bản chất là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo cách phân tán, minh bạch, được xem là "chìa khóa vàng" cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số khi có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, tiết kiệm nguồn nhân lực và cắt giảm những quy trình phức tạp. 

Nhờ khả năng đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, blockchain cũng là một trong những công nghệ hàng đầu cho công cuộc xây dựng đô thị thông minh, góp phần tăng cường sức mạnh của Cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cấp, các đơn vị một cách hiệu quả và liền mạch.

"Blockchain đang được đánh giá là tiêu chuẩn cho các giao dịch kỹ thuật số. Thay vì được lưu trữ tập trung, blockchain là một cơ sở dữ liệu đa tầng được lưu trữ trong một hệ thống mạng mà mỗi người dùng trong đó có một bản sao cơ sở dữ liệu không thể sao chép khác", ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ.

Nhờ cấu trúc phi tập trung kết hợp với mật mã học, blockchain giúp tăng tốc các quy trình kinh doanh, tạo ra mức độ bảo mật cao trong các giao dịch ngang hàng nên không cần đơn vị trung gian.

Blockchain là chìa khóa vàng trong chuyển đổi số - 2

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam trao đổi về việc ứng dụng blockchain trong chuyển đổi số (Ảnh: VBA).

Trong chuyển đổi số, tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở này, ứng dụng blockchain vào quy trình vận hành doanh nghiệp góp phần thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, đáng tin cậy và nhanh chóng.

Bản chất phi tập trung của blockchain tạo ra sự minh bạch tối đa trong mọi giao dịch trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu và sản xuất đến phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, sẽ có ít rủi ro hơn và khách hàng cuối cùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. 

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng blockchain phù hợp với mục tiêu phát triển của TPHCM - một trong những đô thị lớn tại Việt Nam đang thu hút nguồn vốn đầu tư từ đông đảo các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.