Bị loa kéo karaoke 'tra tấn', người dân tìm đến máy phá sóng dù bị cấm
(Dân trí) - Trong khi chờ giải pháp của cơ quan chức năng, người dân tìm đến máy phá sóng loa kéo, karaoke để tránh bị “tra tấn” bất chấp việc thiết bị này bị cấm.
Từ một thiết bị để giải trí, loa kéo và các đầu máy karaoke nay trở thành điều phiền phức đối với không ít người dân và các hộ gia đình. Mức giá ngày càng rẻ khiến sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến, song ý thức sử dụng lại không được nâng cao.
Thực tế, việc hát karaoke bằng loa kéo đã được xem là vấn nạn, đưa lên bàn chất vấn tại cuộc họp gần đây của HĐND TP.HCM. Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức của cơ quan chức năng, một số người đã tự mình tìm giải pháp cho vấn đề này, dù theo cách cực đoan.
Trên mạng xã hội và một số diễn đàn công nghệ, người dùng truyền tai nhau các thiết bị phá sóng hoặc gây nhiễu sóng loa kéo, mic karaoke. Thậm chí, các linh kiện điện tử để tạo thành mạch phá sóng cũng được chia sẻ để người dùng tự mua và lắp ráp.
Thiết bị phá sóng này có rất nhiều loại, trong đó máy cầm tay với một ăng-ten có giá từ 1,5 triệu đồng. Với các loại công suất cao và nhiều ăng-ten, mức giá tăng lên vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, cho vùng hoạt động xa và công suất cao hơn.
Trong khi đó, nếu chịu mày mò, người dùng cũng có thể tự lắp với giá rẻ bằng nửa. Về cơ bản, thiết bị này bao gồm một bo mạch phá sóng, ăng-ten nhằm định hướng sóng, bộ khuếch đại và nguồn điện cung cấp cho các linh kiện hoạt động.
Các phụ tùng này có thể dễ dàng tìm mua trên nhiều trang thương mại điện tử, các website đồ điện, thậm chí có thể mua từ Trung Quốc thông qua các dịch vụ online xuyên biên giới. Tổng giá các linh kiện cấu thành nên bộ phá sóng nếu tự lắp ráp khoảng 500.000 đồng. Tuy nhiên, nếu muốn có công suất cao thì mức giá có thể lên đến vài triệu đồng.
Thực tế, loa kéo và mic karaoke đời mới thường sử dụng kết nối Bluetooth và nó hoạt động ở tần số 2,4-5GHz, tương tự kết nối Wi-Fi. Do đó, việc sử dụng thiết bị phá sóng loa kéo cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mạng Wi-Fi trong cùng phạm vi. Ngoài ra, tín hiệu định vị GPS, mạng di động cũng chập chờn.
Chịu ô nhiễm tiếng ồn và tra tấn bởi loa kéo karaoke vốn đang được bán rộng rãi nhưng các thiết bị phá sóng lại chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Cụ thể, Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: chỉ cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động. Đơn vị mua các thiết bị phá sóng cũng cần được sự chấp thuận của hai Bộ trên, theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Do đó, việc mua bán các thiết bị phá sóng loa kéo hát karaoke sẽ vi phạm pháp luật, bị tịch thu thiết bị đồng thời chịu mức phạt từ 2 đến 50 triệu đồng. Song trên thực tế, một số người biết sai nhưng vẫn sử dụng như một cách tạm thời để giải quyết vấn nạn tiếng ồn.
Gia An