Bị hủy hoại sự nghiệp vì...tính năng tìm kiếm tự động của Google

(Dân trí) - Một người đàn ông ở Mỹ cho biết, cuộc đời và sự nghiệp của anh ta đã bị hủy hoại bởi tính năng tìm kiếm tự động của Google sau khi anh ta mắc lỗi tìm kiếm một cụm từ khóa liên quan đến an ninh quốc gia.

Anh Jeffrey Kantor là một nhà thầu chính phủ, vào năm 2009 trong một lần tìm kiếm từ khóa “Làm thế nào để chế tạo một chiếc máy bay điều khiển bằng sóng Radio”, nhưng do tính năng tìm kiếm tự động nên Google đã tự hoàn thiện chùm từ khóa bằng câu “Làm thế nào để chế tạo một quả bom điều khiến bằng song Radio”, từ sau sự cố ngoài ý muốn đó, Jeffrey Kantor đã bị các quan chức Chính phủ theo dõi.

Trước khi nhận ra lỗi tìm kiếm đó của mình, Kantor đã nhấn nút “Enter” và gây nên một chuỗi phản ứng dữ dội. Nhiều tháng sau đó, Kantor đã bị các quan chức Chính phủ theo dõi và làm phiền, cuối cùng dẫn đến việc anh bị sa thải vì bị nghi ngờ có hoạt động phá hoại an ninh quốc gia.

Sau tai scố xảy ra vào 2009 này, Kantor cho biết mọi hành động của anh đều bị Chỉnh phủ theo dõi và kiểm soát bằng các hình thức khác nhau như vật lý và kỹ thuật số.

Tính năng tìm kiếm tự động của Google đã gây phiền toái trong một số trường hợp (ảnh: Gawker)

Tính năng tìm kiếm tự động của Google đã gây phiền toái trong một số trường hợp (ảnh: Gawker)

Trong phiên tòa diễn ra vào tuần qua tại Tòa án Liên bang, Kantor phân bua; anh luôn bị các nhà điều tra Chính phủ “sờ gáy” và còn sử dụng các hình thức đe dọa cũng như các hành động chống lại người Do Thái. Sự việc trở nên tồi tệ hơn sau khi Kantor phàn nàn vấn đề trên với Ủy ban Phòng chống Phỉ báng (Anti-Defamation League).

Kantor cũng chia sẻ thêm, không chỉ có quan chứng Chính phủ theo dõi anh mà cả những người đồng nghiệp cũng luôn để ý và theo dõi mọi hoạt động đời tư khác như các cuộc điện thoại hay các thói quen sử dụng internet, cuối cùng, anh đã bị sa thải khỏi Tập đoàn Appian buộc anh phải tìm kiếm nơi làm việc khác. Mặc dù vậy, sau đó Kantor vẫn  tiếp tục bị làm phiền khi anh làm việc với các đối tác nhà thầu liên bang khác.

Những người bị Kantor kiện ra Tòa án Liên bang là những quan chức cao cấp của Mỹ bao gồm Chưởng lý Eric Holder, Giám đốc Tình báo Quốc gia Jame Clapper, Giám đốc CIA John Brennan, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry, và quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Rand Beers cùng một số người khác.

Jeffrey Kantor yêu cầu được bồi thường một khoản tiền trị giá 60 triệu USD cho những tổn thất mà anh phải chịu, đồng thời anh cũng yêu cầu tòa án phải lệnh cho Chính phủ ngừng các hoạt động theo dõi đời tư của anh.  

Đình Huế

Theo Gawker