BenQ TK800 độ phân giải 4K có HDR tối ưu nội dung bóng đá, giá chỉ 35.1 triệu đồng
(Dân trí) - Trong thời đại hiện nay, nhu cầu thưởng thức các trận đấu bóng đá trên màn hình lớn với độ phân giải cao cỡ 4K đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết cộng đồng người yêu môn thể thao vua thế giới nói chung và người hâm mộ Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, giá thành của những chiếc TV đáp ứng cả hai yếu tố nêu trên là không hề rẻ, nếu không muốn nói là quá đắt đỏ. Và khi đó, việc sử dụng máy chiếu 4K giá rẻ cùng màn chiếu chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu, BenQ TK800 sẽ là giải pháp tốt cho nhu cầu xem bóng đá đỉnh cao mà bạn khó có thể bỏ qua
Thông thường, người dùng hay có thói quen tìm đến các giải pháp TV 4K kích cỡ lớn đang có giá cả khá tốt ở thời điểm hiện tại. Chỉ cần bỏ ra số tiền 15-20 triệu đồng, bạn đã có thể mang về chiếc TV 4K tích hợp luôn tính năng HDR từ các nhà sản xuất (NSX) danh tiếng như LG, Samsung với kích cỡ từ 49" đến 55". Ngoài ra, nếu tài chính dư dả cũng như nhu cầu cao hơn, TV 4K HDR 65" với khung giá từ 40-50 triệu đồng sẽ là sự lựa chọn tốt dành cho bạn.
Tuy nhiên, tầm giá 50 triệu đồng, bạn nghĩ sao nếu như mình vẫn có thể trải nghiệm hình ảnh ở độ phân giải 4K, kèm luôn HDR mà kích thước hiển thị do chính mình tự do điều chỉnh? Tôi đang nói đến chiếc máy chiếu DLP 4K HDR BenQ TK800 đang có giá rất tốt ở thời điểm hiện tại khi có giá thị trường là 35.1 triệu đồng chưa kèm màn chiếu loại tốt (khoảng 10 triệu đồng trở lên).
Không như các máy chiếu 4K thông thường khác, TK800 có kích cỡ rất gọn nhẹ và không cồng kềnh cho phép bạn có thể tự do di chuyển máy để có được góc chiếu tốt nhất phù hợp với trải nghiệm của mình. Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, lợi thế của máy chiếu như TK800 so với TV 4K truyền thống là bạn được quyền điều chỉnh kích thước hình chiếu với nhiều kích cỡ từ 30" đến 300". Qua đó, bạn và người thân có thể hòa mình vào không khí của những trận cầu đỉnh cao một cách tuyệt vời nhất mà những TV 4K khó lòng đáp ứng được.
Thiết kế
Về thiết kế, TK800 có kiểu dáng rất gọn gàng, đơn giản và mang tính di động cao không như nhiều mẫu máy chiếu 4K cồng kềnh hiện nay đang xuất hiện trên thị trường. Cụ thể với kích thước ba vòng (dài, rộng, cao) lần lượt là 353 x 135 x 272mm cùng trọng lượng 4.2kg, có thể nói TK800 là một trong những máy chiếu 4K nhỏ nhất thế giới bên cạnh người anh em W1700 xuất hiện gần đây của nó. Và để tiện cho bạn hình dung, tôi sẽ mang TK800 làm phép so sánh nhỏ với người đàn anh W12000 của nó. W12000 là một máy chiếu 4K điển hình với kích cỡ rất to với số đo ba vòng 470.7 x 224.9 x 564.7mm và trọng lượng lên đến 15kg.
Dù chỉ sở hữu vỏ nhựa nhưng TK800 lại rất chắc chắn, bền bỉ chứ không tỏ ra quá ọp ẹp khi cầm nắm, di chuyển. Phía trên máy chiếu là dàn nút điều khiển và vòng zoom kèm lấy nét. Trong quá trình sử dụng TK800, tôi rất ít khi nào phải sử dụng đến dàn nút điều khiển của nó nhất là khi máy chiếu của BenQ còn hỗ trợ remote điều khiển từ xa rất tiện lợi.
Bên dưới đáy TK800, với 3 chân đế cho phép điều chỉnh độ cao, bạn có thể điều chỉnh góc chiếu cho phù hợp với màn chiếu rất nhanh chóng. Trong đó, hai chân dưới tuỳ chỉnh theo dạng xoay trong khi chân trên sử dụng nút bấm có khấc để điều chỉnh độ cao rất dễ thao tác.
Về hệ thống làm mát của TK800, bên trong máy chiếu sử dụng quạt hút khí từ hai dàn khe gió phía trái và phải và điều hướng gió nóng ra khe thoát khí phía trước bên cạnh đèn chiếu. Đây là thiết kế rất hay khi nó giúp bạn không bị ảnh hưởng bởi luồng hơi nóng phát ra từ TK800 khi ngồi phía sau máy chiếu.
Phía sau TK800 là dàn cổng kết nối bao gồm 2 cổng âm thanh 3.5mm Audio In/Out, 1 cổng USB Type A (Chỉ dành để sạc thiết bị di động), 1 cổng mini-USB, 1 cổng D-Sub, 1 cổng RS232 và 2 cổng HDMI. Điểm đặc biệt của TK800 là máy chiếu này hỗ trợ 1 cổng HDMI 2.0 tích hợp chuẩn HDCP 2.2 dành cho các nội dung số 4K HDR trong khi cổng còn lại là HDMI 1.4a/HDCP 1.4. Và sẽ còn tốt hơn nếu như BenQ bỏ đi cổng D-Sub và thay vào đó là cổng HDMI vì cổng kết nối này đã quá lỗi thời, cũng như số lượng thiết bị phát hình hay máy tính còn hỗ trợ cổng này là không nhiều. Thay vào đó, người dùng đã chuyển dần sang các thiết bị sử dụng cổng HDMI nhiều hơn như các hộp set top box kỹ thuật số và các máy chơi game console như Xbox One hay PS4.
Thử nghiệm
Các thao tác cài đặt lần đầu cho TK800 (cũng như nhiều máy chiếu khác trên thị trường) sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức nếu như bạn thực sự muốn có được hình ảnh chiếu tốt nhất có thể. Cần chú ý là TK800 không phải là máy chiếu gần do đó bạn cần phải có không gian đủ rộng rãi để đặt máy chiếu. Với khoảng cách 3.25m so với màn chiếu, TK800 có thể chiếu được hình ảnh có kích thước 100" và sẽ lên đến 300" nếu đặt máy chiếu ở vị trí xa hơn. TK800 có tỷ số projection offset 110%, điều này có nghĩa là hình ảnh chiếu sẽ cao hơn một chút so với ống kính, do đó bạn cần phải lưu ý điểm này nếu như có ý định treo máy chiếu này lên trần nhà. Khác với nhiều máy chiếu 4K có tính năng Lens Shift (tạm dịch là dịch chuyển ống kính), TK800 không hỗ trợ tính năng này. Theo đó, Lens Shift cho phép bạn có thể tuỳ chỉnh vị trí hình chiếu tuỳ ý trên màn chiếu mà không cần phải di chuyển máy chiếu cũng như cân chỉnh bo góc ảnh chiếu. Nó rất hữu ích nếu như không gian đặt máy chiếu của bạn không thực sự quá rộng rãi cũng như hạn chế việc chuyển vị trí đặt máy chiếu quá nhiều lần.
Ngoài ra, TK800 còn có tính năng Keystone tự động giúp bạn có thể bo góc ảnh chiếu cho hợp lý nếu bề mặt đặt máy chiếu không thực sự bằng phẳng. Tuy nhiên, TK800 chỉ hỗ trợ Keystone theo chiều dọc, nếu ảnh chiếu của bạn có hiện tượng lệch góc ở hai bên trái phải thì bạn phải tự xử lý bằng cách điều chỉnh thân máy cho đến khi hình ảnh chiếu cân đối nhất có thể. Đây là điểm hạn chế thấy rõ nhất của TK800 khi mà những máy chiếu 4K khác trên thị trường hầu hết đều được tích hợp Keystone hai chiều. Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, giá thành của những chiếc máy chiếu 4K như thế thường không bao giờ mềm. Vì vậy việc hỗ trợ Keystone một chiều trên máy chiếu 4K giá rẻ như TK800 cũng là điều đáng quý rồi.
Sau khi hoàn thành xong quá trình cài đặt TK800, điều đầu tiên bạn cần làm là thiết lập không gian chiếu tốt nhất dành cho nó. Cái mà tôi muốn nói đến ở đây chính là việc loại ánh sáng môi trường ra khỏi không gian chiếu hay nói cách khác là biến khu vực chiếu của bạn thành một phòng tối. Tuy nhiên, môi trường mà tôi thử nghiệm TK800 rất khó có thể đạt được điều này khi nó vẫn lọt một số ánh sáng tạp vào phòng chiếu dù đã tắt hết đèn. Qua đây tôi cũng có dịp để xem thử khả năng xử lý hình ảnh chiếu của TK800 như thế nào khi gặp môi trường chiếu không thực sự lý tưởng. TK800 hỗ trợ 4 chế độ màu có sẵn bao gồm Bright, Vivid TV, Cinema và Sport cùng 2 chế độ màu do người dùng tự tuỳ chỉnh. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ thử nghiệm các chế độ màu Vivid TV (Sống động), Sport (Thể thao) và Football (Bóng đá) của TK800 ở thiết lập mặc định, và phép thử sẽ là video trận El Clasico giữa Barcelona và Real Madrid vòng 17 La Liga ở độ phân giải 4K và số khung hình 60 thay vì 24 như bạn thường thấy trên TV:
Ở Vivid TV, bạn có thể thấy màu sắc toàn bộ khung cảnh đều được làm rực lên đúng với bản chất của chế độ này. Tuy nhiên trong bối cảnh bóng đá thì có vẻ Vivid TV không phù hợp lắm, khi đối tượng cần được tô điểm là mặt cỏ và 22 cầu thủ có mặt trên sân bóng. Chuyển qua Sport, theo như mô tả của BenQ, chế độ này sẽ phù hợp nhất khi xem các bộ môn thể thao trong nhà, đặc biệt là futsal, bóng chuyền, bóng rổ... khi nó có xu hướng làm hình ảnh ám đỏ để nổi bật môi trường thi đấu là sân sàn gỗ thay vì sân bóng đá. Và cuối cùng là Football, chế độ này tỏ ra phù hợp hơn so với Vivid TV và Sport khi nó này sẽ làm xanh mặt sân cũng như hình ảnh các cầu thủ trên sân trở nên sống động hơn thay vì ám đỏ như Sport hay chìm hơn so với phần còn lại của trận đấu.Ngoài ra, một điểm nhấn nữa ở TK800 là BenQ trang bị cho nó bộ loa tích hợp bên trong. Thông thường, những bộ loa trên máy chiếu có chất lượng rất tệ, nhưng với bộ loa của TK800 được BenQ chăm chút khá kỹ lưỡng. Với công suất 5W, âm lượng tối đa của chiếc máy chiếu này vừa đủ lớn để phủ hết toàn bộ phòng chiếu có diện tích trung bình mà không bị hiện tượng méo tiếng, do đó nếu có ý định mang theo máy chiếu sang nhà bạn bè, bạn không cần phải mang theo loa di động của mình để làm gì. Tất nhiên, chất lượng loa của TK800 khó có thể so sánh với các bộ soundbar rời hay loa rời công suất lớn, và tôi vẫn khuyên bạn nên sử dụng hệ thống loa rời để có được trải nghiệm xem bóng đá và các nội dung số khác một cách tốt nhất.
Lời kết
BenQ TK800 có giá bán 35.1 triệu đồng.
Ưu điểm: Thiết kế nhỏ gọn mang tính di động cao.
Độ phân giải hỗ trợ tối đa lên đến 4K.
Hỗ trợ cổng HDMI 2.0/HDCP 2.2 dành cho các nội dung số 4K HDR.
Tối ưu hình ảnh tốt cho nội dung bóng đá.
Tích hợp chuẩn hình HDR10 với 3 hệ màu Rec.709, Rec.2020 và DCI-P3.
Chất lượng không tệ đối với loa tích hợp của một máy chiếu.
Hỗ trợ chiếu nội dung 3D.
Tính năng Auto Keystone theo chiều dọc.
Giá tốt so với các máy chiếu 4K khác trên thị trường.
Nhược điểm: Độ phân giải tối đa của nội dung 3D hỗ trợ chỉ là Full HD 1080p và không kèm kính 3D khi mua sản phẩm.
Không hỗ trợ Keystone 2 chiều buộc người dùng phải tự cân chỉnh góc chiếu trái phải khi đặt máy chiếu trên bề mặt không phẳng.
Không hỗ trợ tính năng dịch chuyển ống kính Lens Shift.
Xuất hiện các dải chuyển màu khi bật HDR.