Bắt nhiều vụ nhập lậu điện thoại trị giá hàng tỷ đồng vào Việt Nam
(Dân trí) - Trong quý I năm nay, ngành Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng điện thoại và máy tính nhập lậu vào Việt Nam trị giá hàng tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, Gian lận thương mại, quý I/2018, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.232 vụ vi phạm pháp luật hải quan (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017). Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 85 tỷ đồng (tăng 28,86% so với cùng kỳ năm 2017). Số tiền phạt, thu nộp ngân sách nhà nước là 44,5 tỷ (tăng 32,86% so với cùng kỳ năm 2017).
Các đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển vận chuyển trái phép biên giới với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, vi phạm xảy ra ở tất cả các tuyến: hàng không, cảng biển, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Nổi lên tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng tiêu dùng, hàng có giá trị lớn, hàng thuế suất cao, hàng nhập khẩu có điều kiện như đường cát, nước ngọt, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động...
Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong quý I/2018 được đánh giá có diễn biến phức tạp do đây là thời điểm diễn ra dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, thời điểm này nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, sản xuất sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán của người dân tăng cao.
Theo Cục Hải Quan TPHCM, vụ việc điển hình ở địa phương này liên quan đến nhập lậu điện thoại di động là ngày 27/02/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 01 đối tượng về hành vi nhập khẩu 257 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng hiệu Samsung Galaxy và iPhone các loại trái qui định của người nhập cảnh. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 01 tỷ 556 triệu đồng.
Trong tháng 3 năm nay, Hải quan Quảng Ninh cũng đã phát hiện và bắt giữ lô điện thoại trị giá 600 triệu đồng nhập lậu vào Việt Nam. Lô hàng này do ông Lê Văn Xô, trú tại phương Hải Hòa, Móng Cái vận chuyển, gồm 128 chiếc smartphone không xuất trình được chứng từ nhập khẩu hợp pháp.
Một vụ khác cũng nổi cộm trong đầu năm, cụ thể là trong tháng 1 năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và TP.HCM đã phát hiện và bắt giữ lô hàng gần 400 chiếc điện thoại di động không giấy tờ và 1.800 laptop cũ nhập khẩu vào Việt Nam.
Tại Quản Ninh, hàng hóa vi phạm thu giữ được gồm 398 điện thoại di động hiệu THT phone do Trung Quốc sản xuất mới 100% (trong đó 300 chiếc có pin, không có ốp lưng máy, không sạc; 98 chiếc không có pin; không có ốp lưng máy, không sạc). Trị giá lô hàng ước tính khoảng 74 triệu đồng.
Tại TPHCM, lực lượng chức năng phát hiện công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học Nguyên Thảo và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phong Nhi (TP.HCM) có hành vi nhập khẩu hàng cấm, khai khống hàng có trị giá lớn để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Hai lô hàng được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan từ ngày 18/12/2017. Trên tờ khai hải quan, công ty Nguyên Thảo khai báo hàng hóa nhập khẩu gồm adaptor vi tính Dell, vỏ máy vi tính, phần mềm quản lý nhân sự, tờ giấy chứa phần mềm, tất cả hàng hóa mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Trị giá lô hàng trên 1,8 triệu USD.
Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện số lượng hàng không khai báo hải quan lên tới 1.873 máy tính xách tay, 51 ổ cứng, 21 CPU, 2 chiếc iPad. Tất cả đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Hàng khai khống có trị giá lớn gồm phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm kế toán trị giá hơn 3,67 triệu USD. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế không có hai phần mềm này.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có các mặt hàng như điện thoại di động, hàng điện tử...
Gia Hưng