Bạn biết gì về VAR - Công nghệ gây tranh cãi nhất tại World Cup 2018?

(Dân trí) - “VAR ở đâu?”, “Hãy sử dụng VAR!”... là những câu mà nhiều cổ động viên và bình luận viên bóng đá đã thốt lên khi có một pha bóng gây tranh cãi trong các trận đấu diễn ra tại World Cup 2018. Vậy VAR thực sự là gì và công nghệ gây tranh cãi này có cách thức hoạt động như thế nào?

Công nghệ VAR (Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video - Video Assistant Referee - VAR) đã được Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ.

World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên được áp dụng công nghệ VAR để hỗ trợ cho các trọng tài.

Việc áp dụng công nghệ VAR để giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn và xử lý các tình huống gây tranh cãi được chính xác hơn. Tuy nhiên trên thực tế hiện VAR lại đang trở thành một công nghệ... gây tranh cãi, nhất là về thời điểm trọng tài áp dụng công nghệ VAR, bởi lẽ có không ít tình huống trọng tài vẫn tin vào các quyết định của bản thân hơn là sử dụng công nghệ VAR, do vậy quyết định cuối cùng vẫn không thực sự chính xác.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về công nghệ đang gây tranh cãi này tại World Cup 2018.

Công nghệ VAR hoạt động như thế nào?

Sẽ có một nhóm 13 trọng tài chịu trách nhiệm giám sát hệ thống VAR tại World Cup 2018, trong đó mỗi trận đấu sẽ có 4 trọng tài làm nhiệm vụ giám sát VAR. Điều đáng chú ý là các trọng tài phụ trách VAR sẽ ngồi tại một trung tâm đặc biệt ở thủ đô Moscow (Nga) để giám sát trận đấu đang diễn ra, thay vì ngồi trực tiếp tại sân vận động đang diễn ra trận đấu và những người này cũng mặc trang phục giống như các trọng tài đang điều khiển trận đấu trên sân.

Các trọng tài VAR tại World Cup 2018 sẽ làm việc tại một trung tâm đặc biệt ở Moscow, thay vì có mặt trực tiếp tại sân đấu
Các trọng tài VAR tại World Cup 2018 sẽ làm việc tại một trung tâm đặc biệt ở Moscow, thay vì có mặt trực tiếp tại sân đấu

Cũng như các trọng ở ngoài sân, đội ngũ trọng tài VAR bao gồm một trọng tài chính và 3 trợ lý. Trong trung tâm giám sát đặc biệt của mình, các trọng tài sẽ được quan sát góc quay từ tất cả các camera đang có trên sân vận động đang hướng về trái bóng, bao gồm cả những camera tốc độ chậm để tổ trọng tài VAR có thể quan sát và phân tích kỹ càng tình huống diễn ra.

Nếu phát hiện thấy một tình huống bị bỏ qua, tổ trọng tài VAR có thể gửi tín hiệu cảnh báo đến trọng tài chính trên sân thông qua hệ thống thông tin liên lạc. Ngược lại, trọng tài chính cũng có thể gửi tin hiệu liên lạc đến tổ trọng tài VAR để xem lại các tình huống đã bị bỏ qua và đưa ra phán quyết cuối cùng.

Đáng chú ý rằng công nghệ VAR và tổ trọng tài VAR chỉ mang yếu tố tư vấn, còn mọi quyết định cuối cùng, bao gồm cả việc có cần sử đụng đến VAR hay không, vẫn thuộc về trọng tài chính điều khiển trên sân.

Trọng tài có thể tham khảo công nghệ VAR trong trường hợp nào?

Để trận đấu không bị ngắt quãng và mất đi tính hấp dẫn, không phải mọi tình huống đều cần phải sử dụng đến VAR để đưa ra quyết định chính xác, mà chỉ có 4 trường hợp trọng tài mới có thể áp dụng công nghệ VAR:

Trọng tài có thể xem lại tình huống bằng màn hình bên ngoài sân với rất nhiều góc quay khác nhau
Trọng tài có thể xem lại tình huống bằng màn hình bên ngoài sân với rất nhiều góc quay khác nhau

- Xác định bàn thắng và trường hợp dẫn đến bàn thắng: nếu một tình huống ghi bàn gây tranh cãi, trọng tài có thể nhờ đến công nghệ VAR để xác định xem bàn thắng có hợp lệ hay không và trong quá trình bàn thắng được ghi có tình huống phạm lỗi nào hay không để tước đi bàn thắng đã được ghi.

- Xác định có phạt đền hay không: tương tự trọng tài cũng có thể nhờ đến VAR để xác định xem có tình huống phạm lỗi trong vòng cấm để dẫn đến phạt đền hay không. World Cup 2018 đã từng chứng kiến nhiều trường hợp được hưởng phạt đền nhờ vào công nghệ VAR nhưng cũng đã có không ít trường hợp công nghệ VAR từ chối tình huống thổi phạt đền.

- Lỗi dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp: trong trường hợp xảy ra một tình huống phạm lỗi nặng, trọng tài có thể sẽ nhờ đến VAR để đưa ra quyết định có rút thẻ đỏ trực tiếp cho cầu thủ phạm lỗi hay không. Đáng chú ý nếu trọng tài đã bỏ qua tình huống phạm lỗi, trọng tài vẫn có thể xem lại VAR trong giờ nghỉ giữa hai hiệp để rút thẻ đỏ với cầu thủ sau khi trở lại trận đấu.

- Xác định danh tính cầu thủ phạm lỗi để rút thẻ phạt: có nhiều trường hợp các tình huống phạm lỗi xảy ra quá nhanh hoặc các cầu thủ có gương mặt, ngoại hình tương tự nhau khiến trọng tài không thể xác định được ai là người đã phạm lỗi. Lúc này trọng tài có thể nhờ đến công nghệ VAR để xác định chính xác cầu thủ gây ra lỗi và rút thẻ phạt đúng người.

Làm sao để biết được công nghệ VAR đang được áp dụng?

Nhiều người sẽ thắc mắc công nghệ VAR có đang được áp dụng trong trận đấu diễn ra hay không. Trên thực tế là VAR luôn được trọng tài tham khảo nhưng có thể khán giả sẽ không nhận ra.

Trong một vài tình huống, trọng tài sẽ nhận được thông báo từ trọng tài VAR thông qua tai nghe để nhắc nhở họ về một quyết định cần phải xem xét. Lúc này trọng tài VAR sẽ đưa ra lời tư vấn cho trọng tài chính để họ có thể đưa ra quyết định chính xác hơn.

Trọng tài có thể tham khảo ý kiến của tổ trọng tài VAR thông qua tai nghe mà không cần phải xem lại màn hình
Trọng tài có thể tham khảo ý kiến của tổ trọng tài VAR thông qua tai nghe mà không cần phải xem lại màn hình

Một vài trường hợp khác, trọng tài chính sẽ đưa tay vẽ một hình chữ nhật vào không khí, ám chỉ tham khảo ý kiến của tổ trọng tài VAR. Lúc này tổ trọng tài VAR cũng sẽ đưa ra lời tư vấn cho trọng tài chính thông qua tai nghe để trọng tài đưa ra quyết định cuối cùng.

Trường hợp mà khán giả dễ dàng nhận ra nhất khi trọng tài sử dụng công nghệ VAR đó là sẽ cho tạm dừng trận đấu và sẽ quan sát lại tình huống gây tranh cãi thông qua một màn hình TV nhỏ đặt ở bên ngoài sân. Tại màn hình này trọng tài sẽ xem kỹ tình huống ở nhiều góc quay khác nhau và bao gồm cả góc quay chậm, sau đó trọng tài chính sẽ thảo luận với tổ trọng tài VAR để đưa ra quyết định cuối cùng.

Vì sao công nghệ VAR gây tranh cãi?

Việc áp dụng công nghệ VAR để giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn và bớt đi sự tranh cãi ở các quyết định sai lầm của trọng tài. Tuy nhiên trên thực tế công nghệ VAR đã trở thành công nghệ gây nhiều tranh cãi nhất tại World Cup 2018.

Nhiều người cho rằng việc áp dụng công nghệ VAR sẽ khiến cảm xúc của các trận đấu bị gián đoạn khi mà trọng tài sẽ phải dừng trận đấu để tham khảo công nghệ VAR trước khi đưa ra những kết luận cuối cùng. Điều này sẽ khiến cảm xúc thi đấu của hai đội bị ảnh hưởng ít nhiều. Có không ít ý kiến cho rằng “sai lầm là một phần của bóng đá” và việc áp dụng công nghệ VAR sẽ làm mất đi phần thú vị này.

Tuy nhiên nhiều người ủng hộ VAR cho rằng công nghệ này là cần thiết và giúp cho các trận đấu trở nên công bằng hơn và đặc biệt giảm các tình huống chơi xấu, tiểu xảo của các cầu thủ.

Dù vậy thực tế tại World Cup 2018 đang diễn ra công nghệ VAR cũng đang gây ra rất nhiều tranh cãi khi các trọng tài vẫn đưa ra các quyết định có phần thiếu chính xác, thậm chí những quyết định có phần gây bức xúc cho các đội bóng như trường hợp trong trận đấu giữa Brazil và Costa Rica tại vòng 2 khuôn khổ bảng E, trọng tài đã quyết định cho đội tuyển Brazil một quả phạt đền nhưng sau đó đã thay đổi quyết định sau khi tham khảo công nghệ VAR.

Và bởi vì trên hết quyết định của trọng tài chính vẫn là quyết định cuối cùng nên đôi khi trọng tài chính vẫn tin vào quyết định của mình hơn là lời tư vấn của tổ trọng tài VAR, do vậy vẫn còn những tình huống gây tranh cãi diễn ra tại kỳ World Cup năm nay.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm