Bác sĩ bị ghép clip sex tống tiền: Chuyên gia nêu mối họa với bất cứ ai

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Theo chuyên gia, công nghệ Deepfake hiện phổ biến trên thị trường và những người sử dụng mạng xã hội hoàn toàn có nguy cơ bị cắt ghép vào những hình ảnh, video nhạy cảm.

Bác sĩ bị ghép clip sex tống tiền: Chuyên gia nêu mối họa với bất cứ ai - 1

Các đối tượng giả danh bệnh nhân để cắt ghép hình ảnh nhạy cảm tống tiền bác sĩ (Ảnh: Chụp màn hình).

Như báo Dân trí đưa tin, nhiều bác sĩ đang là nạn nhân từ những vụ lừa đảo qua mạng xã hội.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, vào trang cá nhân Facebook của các bác sĩ để đóng giả làm bệnh nhân và nhờ khám, tư vấn...

Sau đó, các đối tượng gọi video nhờ tư vấn khám bệnh để lấy hình các bác sĩ, cắt ghép video thành clip sex, đe dọa tống tiền.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, chuyên gia công nghệ Nguyễn Việt Hùng, CEO Color Me cho biết: "Công nghệ được các đối tượng sử dụng ở đây được gọi là Deepfake. Đây là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) rất tinh vi.

Công nghệ này đang rất phổ biến và có nhiều phần mềm để các đối tượng lừa đảo, tống tiền sử dụng".

Theo chuyên gia Hùng, chỉ cần một vài hình ảnh từ nạn nhân hay một video bất kì, công nghệ Deepfake có thể thay đổi gương mặt người bên trong clip thành gương mặt nạn nhân. Trên thực tế, đã có rất nhiều người nổi tiếng, ngôi sao cũng đã trở thành nạn nhân từ Deepfake. 

Khó ngăn chặn

Công nghệ Deedfake hiện nay rất khó ngăn chặn, vì các đối tượng hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh của mình từ trên mạng xã hội để đưa vào các video, hình ảnh nhạy cảm nhằm tống tiền, lừa đảo.

Bác sĩ bị ghép clip sex tống tiền: Chuyên gia nêu mối họa với bất cứ ai - 2

Đoạn tin nhắn gửi cho bác sĩ M từ đối tượng (Ảnh: Chụp màn hình).

"Hiện nay gần như chúng ta không thể ngăn chặn được việc bị ghép gương mặt của mình vào video Deepfake. Người dùng mạng xã hội chỉ cần đăng một vài hình ảnh có gương mặt của mình lên bất cứ nền tảng nào, các tội phạm đều có thể tìm cách lấy những hình ảnh đó và ghép vào video.

Các công ty bảo mật đã phát triển nhiều phần mềm để phát hiện ngược lại một video, clip có phải đã bị can thiệp bởi công nghệ Deepfake hay không, nhưng việc này chỉ giúp nạn nhân chứng minh được người trong nội dung không phải là mình, chứ chưa phải là biện pháp để tránh bị ghép vào video Deepfake", chuyên gia Hùng khẳng định. 

Theo đó, không chỉ các bác sĩ mà kể cả người dùng mạng xã hội cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân từ những video nhạy cảm được cắt, ghép từ công nghệ Deedfake.

Chính vì thế, chúng ta không nên trò chuyện với người mình chưa quen biết qua mạng xã hội hay các bác sĩ cần phải cẩn thận, trang bị kỹ năng nhận diện các trường hợp khả nghi trong quá trình thăm khám online qua mạng xã hội cũng như giữ đúng các nguyên tắc trong khám chữa bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm