Apple - Khi sự sáng tạo đã không còn
(Dân trí) - Apple từng được xem là hãng công nghệ sáng tạo nhất thế giới và chính sự sáng tạo đó đã giúp Apple vươn lên đỉnh để trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Giờ đây, khi đã ở trên đỉnh cao, giường như Apple mất đi sự sáng tạo, mạo hiểm đột phá để trở nên “ăn chắc mặc bền”.
Sự sáng tạo và mạo hiểm giúp Apple vươn lên đỉnh cao
Ngày 9/1/2007, hãng máy tính Apple (Apple Computers, Inc.) đã khiến giới công nghệ phải bất ngờ khi chính thức đặt chân vào thị trường điện thoại di động với việc ra mắt chiếc điện thoại iPhone phiên bản đầu tiên. Động thái này của Apple được cho là mạo hiểm, khi mà vào thời điểm đó thị trường di động vẫn đang được thống trị bởi những “tượng đài” tưởng chừng như không thể bị lật đổ như Nokia hay Motorola... trong khi Apple vẫn đang là một hãng sản xuất máy tính cá nhân phải cạnh tranh để tìm chỗ đứng với Microsoft trên thị trường.
Tuy nhiên, sự mạo hiểm và táo bạo của Apple đã mang lại thành công, khi iPhone lại lập tức “gây bão” trên thị trường di động khi được giới công nghệ đánh giá là một sản phẩm mang tính sáng tạo và đột phá. iPhone được xem là sản phẩm làm thay đổi cả ngày công nghiệp điện thoại di động, nhanh chóng trở thành “hình mẫu” để các hãng sản xuất điện thoại di động khác noi theo. Trước thời điểm iPhone ra mắt, thị trường di động chứng kiến sự đa dạng hóa trong thiết kế của sản phẩm, còn sau thời điểm iPhone trình làng, thị trường di động chuyển sang xu thế của màn hình cảm ứng.
Tại thời điểm ra mắt iPhone đầu tiên, Apple Computer, Inc. quyết định đổi tên thành Apple Inc., mang ý nghĩa rằng Apple không còn đơn thuần là một hãng sản xuất máy tính, mà sẽ trở thành một hãng công nghệ đặt chân vào nhiều thị trường khác nhau.
Năm 2010, Apple tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường di động khi ra mắt mẫu máy tính bảng iPad đầu tiên, mở màn cho phân khúc sản phẩm mới của riêng Apple và cũng mở màn cho một phân khúc mới trên thị trường di động, phân khúc máy tính bảng.
Ban đầu, khi iPad mới ra mắt, giới phân tích nhận định Apple đã quá mạo hiểm khi ra mắt một sản phẩm như vậy, khi mà iPad chỉ được xem như một chiếc iPhone phóng lớn. Dù vậy, sự mạo hiểm này một lần nữa mang lại sự thành công cho Apple.
Cũng như iPhone, phiên bản iPad đầu tiên xuất hiện đã nhanh chóng được giới công nghệ và người dùng đón nhận như một sản phẩm sáng tạo mới của Apple, mặc dù trên thực tế trước khi iPad ra đời đã từng có nhiều mẫu máy tính bảng xuất hiện nhưng không để lại điểm nhấn đáng chú ý nào. Các hãng công nghệ lại bắt đầu một “cuộc đua” mới để chạy theo một sản phẩm do Apple ra, khi hàng loạt mẫu máy tính bảng được xuất hiện để cạnh tranh với sản phẩm của Apple.
Không chỉ sáng tạo trong phần cứng, Apple còn cho thấy sự đột phá trong phần mềm khi ra mắt nền tảng iOS được tối ưu dành cho các thiết bị cảm ứng và ra mắt kho ứng dụng App Store dành cho nền tảng iOS của hãng.
Những thành công liên tiếp nhờ vào sự sáng tạo và chấp nhận mạo hiểm đã giúp Apple vươn lên đỉnh cao, khi năm 2012, Apple vượt qua hãng năng lượng ExxonMobil để trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới.
Apple - Khi sự sáng tạo không còn
Tháng 10/2011, Steve Jobs đột ngột qua đời, Apple bước vào “triều đại” của Tim Cook. Vượt qua những định kiến và cái bóng rất lớn mà Steve Jobs để lại, Tim Cook vẫn làm tốt công việc của mình khi tiếp tục chèo lái con tàu Apple trên đỉnh cao của sự thành công. Những báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm của Apple luôn khiến các công ty khác phải “thèm muốn” với những kỷ lục doanh số liên tục bị phá vỡ.
Mặc dù vẫn rất thành công về mặt kinh tế, tuy nhiên đối với giới công nghệ, dường như Apple đã mất đi “cái hồn” vốn có của mình, khi không còn sự sáng tạo và mạo hiểm đột phá, thay vào đó Apple đi theo con đường “ăn chắc mặc bền” và khai thác những sản phẩm vốn có đã tạo nên thành công cho hãng.
Kể từ năm 2010 sau khi Apple khai sinh ra phân khúc sản phẩm hoàn toàn mới (iPad), đến năm 2015, Apple mới lại dấn thân vào một phân khúc thị trường mới, phân khúc đồng hồ thông minh, với mẫu sản phẩm Apple Watch. Tuy nhiên, khác với iPhone và iPad khi là sản phẩm tiên phong cho thị trường, Apple Watch được ra mắt trong bối cảnh thị trường đồng hồ thông minh đã nhộn nhịp với rất nhiều sản phẩm có những tính năng vượt trội so với Apple Watch.
Không quá khó để nhận ra, dưới “triều đại” Tim Cook, Apple đã trở thành một công ty “ăn chắc mặc bền”, khai thác tối đa những “con gà đẻ trứng vàng” hiện có, thay vì một công ty sáng tạo và dám mạo hiểm với những sản phẩm mang tính đột phá, tạo xu hướng trên thị trường như trước đây.
Samsung, LG hiện đang rất tích cực trong việc làm mới sản phẩm của mình, luôn áp dụng những công nghệ mới vào các sản phẩm, đơn cử như mẫu smartphone S7/S7 Edge và G5 mới ra mắt. Microsoft, Google, Facebook... đang tập trung phát triển những công nghệ mới, như công nghệ thực tế ảo (Microsoft, Facebook), kính thông minh, xe hơi tự lái (Google)...
Trong khi các đối thủ khác đều tập trung phát triển công nghệ mới thì dường như Apple vẫn chỉ quanh quẩn với các sản phẩm vốn có như iPhone hay iPad...
Đỉnh cao trong “sự an toàn” của Apple được thể hiện qua chiếc smartphone iPhone SE vừa được Apple trình làng. Thay vì một sản phẩm với thiết kế mới, tính năng vượt trội... Apple lại sử dụng thiết kế của iPhone 5S, chiếc smartphone đã ra mắt cách đây 3 năm, kết hợp với cấu hình của iPhone 6S ra mắt vào năm ngoái để tạo nên chiếc smartphone iPhone SE.
Điều này khiến nhiều người phải tự hỏi đội ngũ thiết kế của Apple lâu nay thực hiện công việc gì, khi chỉ việc lấy lại một thiết kế cũ đã 3 năm, thêm màu sắc mới (màu vàng hồng), thay đổi cấu hình bên trong để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới.
Sau màn ra mắt của iPhone SE, hàng loạt trang công nghệ lớn và các diễn đàn công nghệ đều đã thừa nhận rằng dường như Apple đã hết ý tưởng với các sản phẩm của mình. Chiếc smartphone này cũng đã phải hứng chịu không ít “gạch đá” từ phía giới công nghệ vì một sản phẩm thiếu đi tính đột phá thường thấy ở Apple.
Dù vậy, có một thực tế rằng mọi sản phẩm của Apple vừa ra mắt đều hứng chịu rất nhiều “gạch đá” từ phía giới công nghệ và người dùng, nhưng cuối cùng Apple vẫn luôn đạt được doanh số kỷ lục với các mẫu sản phẩm đó. Đây chính là “ma thuật” của Apple mà bất kỳ công ty nào cũng mong muốn có được và cũng chính là “bí kíp” để giúp Apple vẫn “hái ra tiền” từ những sản phẩm sẵn có, thay vì phải mạo hiểm với những công nghệ đột phá ẩn chứa nhiều rủi ro.
Dĩ nhiên, không dễ dàng gì để chèo lái một con tàu khổng lồ như Apple và Tim Cook vẫn đang cho thấy tài năng của mình khi đang làm tốt nhiệm vụ “thuyền trưởng”. Vấn đề là nếu không có sự đột phá trong sản phẩm, khi lượng người dùng trung thành của Apple cảm thấy nhàm chán với những đổi mới hay cải tiến của “quả táo” thì liệu sự thay đổi của Apple có còn kịp thời? Điều này có lẽ chỉ thời gian mới có được câu trả lời.
Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)