Apple đứng trước nguy cơ bị phạt 14,9 tỷ USD vì trốn thuế

(Dân trí) - Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang rất quyết tâm trong việc truy thu số tiền thuế 14,9 tỷ USD từ Apple, dù trước đó tòa án đã đưa ra phán quyết Apple vô tội.

Năm 2016, cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra án phạt nhằm vào Apple, cáo buộc “quả táo” trốn thuế khi “lách luật” bằng một công ty con đặt tại Ireland. Apple bị buộc phải trả lại cho chính phủ Ireland số tiền 13 tỷ Euro (tương đương 14,9 tỷ USD).

Apple đứng trước nguy cơ bị phạt 14,9 tỷ USD vì trốn thuế - 1

Ủy ban châu Âu đang rất quyết tâm trong việc ép buộc Apple phải nộp bổ sung khoản thuế 14,9 tỷ USD

Vào thời điểm đó, điều tra của EC cho thấy Ireland đã cho phép Apple trả mức thuế thấp hơn đáng kể so với các công ty khác, khi Apple chỉ phải đóng thuế 1% lợi nhuận tại châu Âu vào năm 2003 và mức thuế này giảm xuống còn 0,005% trong năm 2014.

Apple sau đó đã kháng cáo án phạt do EC đưa ra. Điều đáng chú ý là chính phủ Ireland, bên đạt được nhiều lợi ích từ phán quyết của EC, cũng đã hỗ trợ Apple trong việc kháng cáo kháng cáo.

Đến tháng 7/2020, tòa sơ thẩm châu Âu đã đưa ra phán quyết lại về bản án, cho rằng Ủy ban châu Âu không có đủ bằng chứng về việc chính phủ Ireland đã trao cho Apple những lợi thế về thuế, từ đó quyết định rằng công ty con của Apple không trốn thuế, tức là “quả táo” không phải nộp bổ sung số tiền thuế 15 tỷ USD.

Sau khi phán quyết được đưa ra, chính phủ Ireland, Apple và EC sẽ có thêm 2 tháng để quyết định xem có kháng cáo kết luận của tòa sơ thẩm và đưa vụ việc lên cấp tòa án cao hơn hay không.

Những tưởng Apple đã có thể tránh được án phạt nặng từ EC thì mới đây, Margrethe Vestager, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu, tuyên bố EC sẽ nộp đơn kháng cáo bản án phúc thẩm lên tòa án, với quyết tâm buộc Apple phải nộp phạt số tiền 14,9 tỷ USD.

“Tòa sơ thẩm châu Âu đã nhiều lần xác nhận nguyên tắc rằng mặc dù các quốc gia thành viên của EU có thẩm quyền xác định luật thuế của riêng họ, nhưng vẫn phải tuân theo luật chung của EU, bao gồm các quy tắc viện trợ của nhà nước”, Margrethe Vestager cho biết. “Nếu các quốc gia thành viên trao cho các công ty đa quốc gia nhất định các lợi thế về thuế so với các đối thủ của họ, điều này sẽ làm tổn hại đến cạnh tranh công bằng trong Liên minh châu Âu, vi phạm các quy tắc viện trợ của nhà nước”.

Đại diện của Apple cho biết sẽ xem xét kháng cáo của EC, nhưng cũng khẳng định rằng công ty luôn tuân thủ theo luật pháp tại Ireland và những quốc gia mà Apple đang hoạt động. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe trả lời phỏng vấn tờ báo The Irish Time rằng việc EC kháng cáo là điều “có thể đoán trước” và dự đoán vụ việc sẽ phải mất thêm vài năm nữa mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng.