1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

“Ảo hóa” để mang lại sự khác biệt

Hiện nay, khái niệm “Điện toán đám mây” không còn là xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên những hiệu quả mà điện toán đám mây mang lại cho người sử dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp thì không hẳn ai cũng biết.

“Ảo hóa” để mang lại sự khác biệt

Điện toán đám mây là một công nghệ cung cấp các dịch vụ điện toán có thể là phần cứng, phần mềm hay dịch vụ qua mạng Internet. Với công nghệ này, doanh nghiệp có thể sử dụng chung các tài nguyên CNTT một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn thay vì phải đầu tư riêng một hệ thống. Về phía các doanh nghiệp không cần phải có cơ sở hạ tầng nội bộ, triển khai nhanh chóng mà không phụ thuộc nhiều vào các ứng dụng trên máy, tiết giảm chi phí nâng cấp ứng dụng, lượng tài nguyên sử dụng lớn, không cần tới bộ máy nhân sự cồng kềnh, mô hình trả thuê bao và có thể dễ dàng thay đổi qui mô khi cần thiết.

Các ứng dụng chủ yếu của Điện toán đám mây cho phép đầu tư phát triển ứng dụng CNTT hiệu quả hơn để có thể nâng cao năng suất lao động, quản trị kinh doanh và phát triển thị trường tốt hơn.Chính vì vậy đây sẽ là xu hướng phát triển quan trọng của công nghệ trong thời gian tới, đặc biệt là với ngành ngân hàng với đặc thù phải xử lý thông tin chính xác, mạng lưới hoạt động rộng khắp và yêu cầu bảo mật tuyệt đối.

Ông Nguyễn Tuấn Cường – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank, đơn vị vừa được tổ chức quốc tế The Asian Banker trao tặng giải thưởng “Ngân hàng triển khai ứng dụng điện toán đám mây tốt nhất 2013” chia sẻ về những lợi ích mà công nghệ điện toán đám mây mang lại cho SeABank.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết lý do tại sao SeABank lựa chọn áp dụng công nghệ này?

Chúng tôi lựa chọn công nghệ Điện toán đám mây dựa trên lợi ích thiết thực của nó đem lại. Điện toán đám mây có rất nhiều ưu điểm như: Tăng sự hài lòng của người sử dụng bằng cách đơn giản hóa việc sử dụng các ứng dụng CNTT, giảm chi phí, thời gian cung cấp dịch vụ; phân bổ tài nguyên theo yêu cầu thực tế; và đặc biệt là khả năng điều chỉnh - linh hoạt, nhanh chóng giúp thích nghi với sự thay đổi liên tục từ yêu cầu kinh doanh. Thực tế cho thấy lựa chọn của SeABank là hoàn toàn đúng đắn và mang lại hiệu quả lớn cho ngân hàng trong quá trình hoạt động.

PV: Những điều kiện cần thiết để có thể triển khai được công nghệ điện toán đám mây trong ngân hàng?

Theo tôi có 03 điều kiện quan trọng nhất. Điều kiện đầu tiên là cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo Ngân hàng trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin bởi xây dựng điện toán đám mây là một quá trình đầu tư dài hạn, nhất quán, sử dụng nhiều công nghệ mới, phương thức ứng dụng CNTT mới khác nhiều so với các công nghệ trước đây.

Thứ hai, điện toán đám mây được xây dựng dựa trên nền tảng chính là hạ tầng ảo hóa. Chúng ta cần xây dựng một nền tảng ảo hóa hoàn chỉnh từ hệ thống mạng, hệ thống lưu trữ, hệ thống máy chủ, hệ thống máy trạm, cho đến các ứng dụng. Điều này cho phép hợp nhất tất cả các nguồn lực thông tin thành một thể thống nhất để tối ưu việc sử dụng và phân bổ nguồn lực CNTT.

Thứ ba là các tiện ích CNTT phải được quản lý, cung cấp theo hướng dịch vụ. Có nghĩa tất cả những gì CNTT cung cấp cho khách hàng bên trong ngân hàng cũng như bên ngoài đều là sản phẩm dịch vụ. Chúng ta cần tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ CNTT bằng cách làm cho CNTT gần gũi, dễ sử dụng hơn với khách hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Có như vậy, điện toán đám mây mới thực sự được khách hàng đón nhận và sử dụng hiệu quả.

PV: Những triển khai ứng dụng cụ thể của điện toán đám mây trong nghiệp vụ ngân hàng? Đây có phải là một công nghệ dễ áp dụng và hiện tại có nhiều ngân hàng áp dụng không?

Hiện nay, ngân hàng chúng tôi đang ứng dụng điện toán đám mây vào rất nhiều nghiệp vụ giao dịch hàng ngày cũng như trong vận hành như phát triển đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kết nối toàn bộ các điểm giao dịch trên toàn quốc vào hệ thống quản trị lõi ngân hàng T24 – Temenos… Đây không phải là một công nghệ dễ áp dụng vì nó đòi hỏi phải thay đổi cả phương thức làm việc lẫn cách suy nghĩ của nhân viên trong Ngân hàng khi cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ CNTT. Hiện tại cũng có nhiều ngân hàng áp dụng Điện toán đám mây tuy nhiên để công nghệ này phát huy được hết hiệu quả của nó thì các ngân hàng còn rất nhiều việc cần làm.

PV: Những lợi ích thiết thực mà công nghệ này mang lại
cho SeABank là gì thưa ông?

PV: Những lợi ích thiết thực mà công nghệ này mang lại cho SeABank là gì thưa ông?

Điện toán đám mây đã mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược phát triển của SeABank. Đối với hệ thống dịch vụ CNTT như dịch vụ máy chủ, dịch vụ hạ tầng Core-Banking, dịch vụ máy trạm (Virtual Desktop Service), ứng dụng (application)… được đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu cung cấp dịch vụ phục vụ mục đích kinh doanh cũng có nghĩa Ngân hàng có thể nhanh chóng triển khai các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Công nghệ này giúp SeABank nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý nguồn lực CNTT. Đồng thời các dịch vụ CNTT giúp đảm bảo được tính liên lục trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng nhờ các ưu điểm về khả năng an toàn, ổn định của điện toán đám mây.

Đặc biệt, bên cạnh chiến lược phát triển CNTT phải kèm theo đó là chiến lược an ninh thông tin. Quản lý người dùng và thiết bị đầu cuối, quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên nội bộ luôn cần đảm bảo an ninh, chống thất thoát dữ liệu. Điện toán đám mây hỗ trợ giải quyết bài toán này cho chúng tôi.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo SeABank luôn xác định phát triển ngân hàng luôn đi kèm với phát triển CNTT. Nhờ điện toán đám mây, CNTT ngày càng trở nên gần gũi với toàn thể nhân viên. Khi nhân viên có thể tự mình lựa chọn đưa ra lựa chọn dịch vụ trên điện toán đám mây, họ sẽ càng hiểu rõ hơn về sản phẩm dịch vụ, thỏa mãn hơn về sản phẩm dịch vụ cũng có nghĩa là dịch vụ CNTT đã được nâng cao chất lượng.

PV: Xin cảm ơn ông.