Ảnh cực hiếm về dây chuyền sản xuất thô sơ của iPhone "đời đầu"
(Dân trí) - Bob Burrough, một cựu nhân viên của Apple chia sẻ quy trình lắp ráp iPhone "đời đầu" của Apple vào năm 2007, đơn giản và thô sơ đến ngỡ ngàng.
Chiếc iPhone đầu tiên phát hành năm 2007 được xem là một sự tiến bộ lớn đối với cá nhân Apple, lẫn toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại thông minh vào thời điểm đó.
Lúc này, các đối tác lắp ráp của Apple bị buộc phải nâng cấp quy trình hoạt động để đảm bảo tiến độ, gồm mở rộng cơ sở vật chất, tăng lực lượng lao động cũng như cải thiện phương pháp lắp ráp để sản phẩm có thể phát hành ra thị trường đúng hạn.
Mới đây trên mạng xã hội Twitter, một người dùng có tên Bob Burrough - tự xưng là cựu nhân viên Apple từng phụ trách các sản phẩm iPhone, iPad và Apple Watch, vừa công bố 4 bức ảnh "cực hiếm", cho thấy quy trình lắp ráp của mẫu iPhone đầu tiên.
Được biết, cả 4 đều chụp vào đầu năm 2007, và dường như tại một cơ sở của Foxconn. Trên thực tế, bốn bức ảnh không cho thấy quy trình lắp ráp thực tế mà chỉ ghi lại quá trình thử nghiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm.
iPhone thế hệ đầu tiên được Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple, chính thức giới thiệu vào tháng 1/2007 và phát hành vào tháng 6 cùng năm.
Các bức ảnh vừa được công bố cho thấy đây chính là những sản phẩm gần hoàn thiện và đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất xưởng.
Vào thời điểm đó, Apple chưa có quy trình kiểm soát chuỗi cung ứng nghiêm ngặt như hiện nay, vì vậy hoạt động lắp ráp và vận chuyển sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Năm 2017, Bob Burrough từng trả lời phỏng vấn, nói rằng Apple đã thay đổi đáng kể trong khâu lắp ráp iPhone, trở nên chuyên nghiệp hơn.
Ông cho biết vào năm 2007 (khoảng thời gian mà những bức ảnh trên được chụp) Apple vẫn còn thô sơ như "miền Tây hoang dã", buộc các nhân viên phải làm thêm những công việc phụ, vượt trên yêu cầu cơ bản, bởi tiêu chí ưu tiên hoàn thành dự án hơn cơ cấu vận hành.
Hiện tại, CEO Tim Cook vẫn luôn cố gắng cân bằng cơ cấu quản lý cấp trung, và tránh xung đột trong hệ thống điều hành. Tuy nhiên, kế hoạch này theo Burrough đánh giá là làm mất đi "bản sắc" của công ty, vốn được thể hiện rất rõ dưới thời Steve Jobs.