An toàn thông tin: Bất kỳ ai cũng cần trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình
(Dân trí) - An toàn thông tin không chỉ là việc triển khai nhiều giải pháp, mà còn là nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin từ tất cả người dân, tổ chức.
Sáng nay (30/11), Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023.
Với chủ đề: "An toàn dữ liệu trong thời đại Điện toán đám mây và Trí tuệ nhân tạo," Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam là sự kiện nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2023 tại Việt Nam.
Sự kiện năm nay có sự tham gia của hơn 30 diễn giả và gần 1.000 khách mời gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các đơn vị chuyên trách an toàn thông tin, công nghệ thông tin; các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; các hội, hiệp hội, trường đại học; các ngân hàng, tổ chức tài chính, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng phát triển an toàn thông tin ở Việt Nam có nhiều lợi thế, vì chúng ta có chuyên gia giỏi, có đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Dẫu vậy, an toàn thông tin không chỉ là việc triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống, mà còn là nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho tất cả cán bộ của tổ chức.
Tại đó, mỗi bộ, ngành cần tự nhận thức được nguyên tắc "thực sao - ảo vậy". Tức là cơ quan nào quản lý cái gì trong đời thật thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng. "Có như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh, trong sạch", Thứ trưởng cho biết.
Cùng với đó là việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam, theo tiêu chí Make in Vietnam - đồng thời là khẩu hiệu hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong kỷ nguyên số, cho rằng đây là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân, đồng thời bất kỳ ai trong số chúng ta cũng cần tự trang bị cho mình các kỹ năng để bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
"Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được thông tin, dữ liệu cá nhân của mình là một loại tài sản", Thứ trưởng khẳng định. "Tài sản đó phải được bảo vệ cẩn thận, tránh việc chia sẻ dễ dãi, cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba không đảm bảo".
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, cũng khẳng định vai trò quan trọng của dữ liệu trong đời sống, kinh tế - xã hội. Theo ông Hưng, năm 2023 đã đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ Cloud và AI, cùng với đó là làm dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức.
Một khảo sát có sự tham gia của gần 200 tổ chức và Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy công tác đảm bảo an toàn thông tin còn tồn tại nhiều vấn đề, như thiếu hụt nguồn nhân lực và kinh phí.
Ngoài ra, việc tiếp cận các công nghệ mới để đảm bảo an toàn thông tin vẫn còn hạn chế. Cụ thể, 45% tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam chưa ứng dụng trong công việc các công nghệ trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Chatbot, BingAI...
Cũng có 26% tổ chức, doanh nghiệp cho rằng các nền tảng điện toán đám mây chưa an toàn và đủ tin cậy. Gần 35% tổ chức, doanh nghiệp chưa có ý định đưa các ứng dụng và dịch vụ lên điện toán đám mây.