1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

80% dịch vụ Internet hoạt động trở lại sau sự cố đứt cáp

Ba ngày sau vụ động đất làm <a href="http://www2.dantri.com.vn/cong-nghe/2006/12/159717.vip">đứt mạng cáp quang châu Á</a>, người dùng Internet tại VN đã có thể sử dụng hầu hết tiện ích online, dù với tốc độ chậm. Các ISP trong nước khôi phục được 50-80% băng thông. Tại Đài Loan, việc nối cáp cần 10 ngày nữa mới có thể hoàn tất.

Kết nối Internet ở Việt Nam đã dần được phục hồi. Khách hàng mạng Viettel tạm ổn vì đường cáp quang thuộc đối tác của công ty này không bị đứt và được bổ sung kịp thời kênh vệ tinh 45 Mbps trực tiếp đến Mỹ. Băng thông quốc tế của ISP này đạt khoảng 40-70% so với trước khủng hoảng, tuỳ thời điểm và sự phân bổ lưu lượng của đối tác. Đến 10h sáng nay, FPT đã khôi phục được 50-60% băng thông đi quốc tế của mình.

Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC cũng khẳng định 80% lưu lượng đường truyền đã đi vào ổn định. Dịch vụ quan trọng Frame Relay và IPVPN được chuyển qua kênh vệ tinh nên hoạt động bình thường. Việc kết nối với Singtel và T-System đã thông, tuyến đi Mỹ và Nhật Bản cũng đang được VDC tập trung xử lý.

Về phía người dùng, những dịch vụ phổ biến như Yahoo Messenger, Yahoo Mail và Yahoo 360 đã hoạt động trở lại dù rất chập chờn. Thông điệp được gửi qua YM nếu nhanh cũng mất đến vài phút. Nhưng với dân “buôn dưa” trên mạng thì "chậm còn hơn không". Tình trạng "đói chat" hai ngày qua khiến nhiều người treo status "Tôi online là tôi tồn tại" hay "Trở lại rồi, YM thân yêu ơi"... Tốc độ truy cập các trang web quốc tế như Google, MSN… tương đối chậm nhưng người sử dụng nhìn chung vẫn tỏ ra hài lòng.

Các chuyên gia trong nước dự đoán, để có thể truy cập Internet bình thường thì phải mất hơn 1 tuần nữa vì các tuyến cáp quang vẫn chưa được nối. Biện pháp kỹ thuật tạm thời vẫn là “lái” các luồng dữ liệu sang hướng dự phòng.

Cơ quan quản lý viễn thông Hong Kong (OFTA) cho biết 5 tàu xuất phát từ Philippines và Singapore đã lên đường đi nối cáp đứt, trong đó có hai tàu "chăm sóc" tuyến APCN-2 (Đài Loan - Trung Quốc và Hong Kong - Trung Quốc) và tuyến SMW-3 (Fangshan Đài Loan - Hong Kong và Fangshan Đài Loan - Toucheng Đài Loan). Dự kiến họ phải mất 5-7 ngày hoặc lâu hơn để hoàn tất việc sửa chữa, tùy thuộc vào mức độ hỏng hóc cũng như diễn biến tiếp theo của động đất.

Tuy nhiên, hãng viễn thông lớn nhất Đài Loan Chunghwa Telecom khẳng định việc khôi phục hoàn toàn mạng cáp của họ cần thêm 2-3 tuần nữa. Khu vực bị ảnh hưởng cách bờ biển Trung Quốc 350 km, cách Đài Loan 15 km, tàu sửa chữa phải mất vài ngày mới tới được đây. Công việc dò tìm chỗ đứt cũng không dễ vì mặt biển bị xáo trộn bởi cơn địa chấn “tương đương 6 quả bom nguyên tử phát nổ ở 22 km dưới mặt đất”, theo mô tả của báo chí Đài Loan. Thao tác trục vớt, nối cáp cũng đòi hỏi tối thiểu 3 ngày.

Chunghwa Telecom ước tính họ sẽ mất khoảng 1,5 triệu USD để sửa cáp trong khi doanh thu cũng bị thiệt hại tới 100 triệu USD do gần như toàn bộ lưu lượng đi quốc tế của hãng này đã bị gián đoạn. Nhiều công ty viễn thông trong khu vực khẳng định 70-80% dịch vụ đã hoạt động trở lại, song chất lượng thực tế còn rất kém.

Asia Netcom, một trong những nhà cung cấp mạng lớn nhất châu Á, khẳng định tàu của họ đã nối được các tuyến cáp chỉ 10 giờ sau động đất. "Chúng tôi đang cho các hãng viễn thông thuê một lượng lớn dung lượng dư thừa", Bill Barney, Giám đốc điều hành của Asia Netcom, cho hay.

Hiện nay, 95% dữ liệu Internet và các cuộc gọi quốc tế được truyền qua hệ thống cáp quang. Cuộc khủng hoảng kết nối những ngày đã qua cho thấy điểm yếu của hệ thống cáp ngầm. Không chỉ động đất, cáp còn có thể bị trục trặc do cá mập gặm hay bị neo thuyền kéo đi. Phương án thay thế cho cáp quang là hệ thống vệ tinh nhưng chi phí lắp đặt đắt đỏ hơn nhiều, còn chất lượng đường truyền lại không thể sánh bằng.

Theo Hải Nguyên - Hưng Hải

VnExpress

Dòng sự kiện: dut cap quang