5G khai phá tiềm năng metaverse cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Công nghệ mạng 5G và metaverse đang dần hoàn thiện và được ứng dụng trong kinh doanh, giúp chuyển đổi cách thức làm việc, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.
Theo Statista, năm 2022, thị trường metaverse (vũ trụ ảo) toàn cầu đạt giá trị 39 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên 679 tỷ USD vào năm 2030. Môi trường làm việc sẽ là khía cạnh được hưởng nhiều lợi ích từ xu thế này, từ cải thiện làm việc từ xa đến sự tiếp cận và hòa nhập tốt hơn cho người lao động khuyết tật.
Bà Jessy Cavazos, Trưởng phòng marketing các giải pháp 5G của Keysight Technologies cho rằng, sự kết hợp giữa mạng riêng 5G và những cải tiến mới do metaverse mang lại sẽ giúp tiết kiệm chi phí, mở ra cơ hội tăng doanh thu và lợi thế cạnh tranh trong nhiều ngành nghề.
Bảo trì và sửa chữa trong các ngành công nghiệp nặng
Các ngành công nghiệp nặng như sản xuất và hậu cần sử dụng các hệ thống và công nghệ phức tạp, được kết nối. Vì các loại máy móc này thường sử dụng liên tục trong điều kiện khắc nghiệt, nên cần được bảo trì và sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo nhân viên, mới có thể thành thục sửa chữa. Những khó khăn thách thức này trở nên trầm trọng hơn khi các công nghệ nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn mà nhân viên được đào tạo.
Các công cụ Metaverse có thể giúp các tổ chức vượt qua những rào cản này để đào tạo nhân viên hiệu quả và nhanh chóng hơn. Theo đó, nhờ bản sao số (digital twin) của nhà máy lọc dầu, nhân viên có thể hình dung các khía cạnh của quy trình và hiểu rõ hơn về cách lắp ráp các thiết bị công nghệ khác nhau. Từ đó, các công nghệ AR và VR có thể được áp dụng để nhân viên có thể mô phỏng quá trình tương tác và sửa chữa các hệ thống này — dù các hệ thống đó trên thực tế được đặt ở đâu.
Vì vậy, các doanh nghiệp không chỉ có thể cắt giảm thời gian và chi phí so với các phương pháp cũ, mà còn trang bị cho nhân viên năng lực khám phá công nghệ và xác định các lĩnh vực có tiềm năng cải thiện, hạn chế rủi ro cho hệ thống vật lý.
Hỗ trợ từ xa cho các ứng dụng hiện trường
Các kỹ thuật viên hỗ trợ công nghệ thông tin và dịch vụ tại chỗ có thể sử dụng metaverse để hỗ trợ từ xa các ứng dụng tại hiện trường. Một số tổ chức bắt đầu thử nghiệm hỗ trợ từ xa với một số nhiệm vụ bảo trì cơ bản trong thời kỳ dịch Covid-19, khi các hạn chế đi lại và rào cản y tế khiến các công ty không thể cử nhân viên trực tiếp đến hỗ trợ công nghệ.
Tuy nhiên, công nghệ 5G băng thông cao, độ trễ thấp sẽ giúp hỗ trợ từ xa trở nên khả thi hơn nhiều đối với các công ty đa dạng quy mô và lĩnh vực. Hơn nữa, hỗ trợ từ xa có thể áp dụng cho các nhiệm vụ có tính kỹ thuật cao hơn - chẳng hạn như các nhiệm vụ sửa chữa và khắc phục sự cố phức tạp trước đây cần thực hiện trực tiếp.
Do đó, các tổ chức có thể tiết kiệm chi phí vận hành, giảm đáng kể rủi ro khi cử nhân viên tới làm việc trực tiếp với công nghệ có thể không ổn định hoặc dễ cháy nổ.
Ứng dụng NFT trong ngành tài chính
Token không thể thay thế (NFT) được nâng lên cấp độ ứng dụng chuỗi khối chính thống. Có nhiều ví dụ trong môi trường metaverse B2C (doanh nghiệp tới khách hàng), chẳng hạn như các thương hiệu thời trang Burberry và Louis Vuitton, là những doanh nghiệp đã tung ra các phụ kiện NFT để hỗ trợ các trò chơi điện tử tương ứng của họ.
Giao dịch ngoại hối và quản lý bất động sản là các ứng dụng tiềm năng của NFT trong môi trường metaverse doanh nghiệp. Theo đó, một đơn vị có thể đăng ký tài sản NFT, như một giải pháp thay thế an toàn hơn và chi phí thấp, có tác động đáng kể tới những chủ đất chưa được công nhận quyền sở hữu.
Một ứng dụng khả thi khác là trong các sàn giao dịch chứng khoán trên nền tảng số, cho phép các doanh nghiệp từ nhiều khu vực pháp lý và sàn giao dịch phát hành NFT chứng khoán.
Các ví dụ trên và phương án sử dụng metaverse khác trong kinh doanh chỉ có thể thực hiện khi nhận được tin cậy, độ trễ thấp và an ninh bảo mật từ mạng riêng 5G. Mặc dù có rất nhiều thông tin liên quan đến cách thức điện toán đám mây đẩy nhanh metaverse, nhưng các tổ chức cũng đánh giá rằng năng lực của mạng viễn thông đóng một vai trò nền tảng quan trọng không kém.
Tốc độ cao của 5G sẽ là điều kiện cần thiết để hiện thực hóa tiềm năng của metaverse doanh nghiệp. Các công ty có thể triển khai mạng riêng 5G cho mình - hoặc họ có thể đối mặt nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực metaverse doanh nghiệp.