1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

5 sai lầm nghiêm trọng nhất của Yahoo

(Dân trí) - Những sai lầm nghiêm trọng nhất của Yahoo dẫn đến kết cuộc hôm nay, từ cái nhìn của chính "người trong cuộc".

Yahoo đang rơi trở lại tình trạng tồi tệ sau khi giám đốc điều hành Jerry Yang tuyên bố từ nhiệm giữa lúc hãng kinh doanh dịch vụ này đang loay hoay tìm kiếm doanh thu thông qua quảng cáo và hệ thống giải trí trực tuyến của mình. Trong tình thế mờ mịt tương lai, cổ phiếu rớt giá tới 63% so với thời điểm Microsoft hỏi mua hồi giữa năm, dễ hiểu tại sao nhân viên hãng tỏ thái độ đề phòng khi tạp chí Forbes tìm cách hỏi ý kiến. Nhưng điều gì khiến Yahoo lâm vào "bước đường cùng" như ngày nay, khi mà bộ phận quản lý của hãng là những người có tài, có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực kinh doanh Internet?

1. Dự án hào nhoáng đến rồi lại đi

Yahoo có hàng tá dự án được người dùng hưởng ứng nhiệt liệt khi mới ra mắt, nhưng nhanh chóng chết yểu lặng lẽ năm sau đó, hoặc thậm chí chỉ vài tháng. Bản thân nhân viên Yahoo cũng thừa nhận điều đó. Một kĩ sư bình luận về đội ngũ giám đốc: "Họ tốn quá nhiều tiền vào vài dự án, để rồi sau đó đem vứt bỏ cả!"

2. Lỡ chuyến tàu tốc hành mang tên Google

Ít người biết rằng Yahoo! từng có cơ hội sở hữu Google vào năm 2002. Chỉ tiếc rằng Terry Semel, giám đốc điều hành thời điểm đó, lại do dự trước cái giá 5 triệu đô sau nhiều tháng đàm phán. Nội bộ Yahoo hẳn đều hiểu đây là lỗi lầm không thể cứu vãn. Không nhân viên Yahoo nào muốn đề cập đến "nỗi đau" này. Một người trả lời "tôi không biết", trong khi người khác lảng tránh "Tôi cần đi họp bây giờ!".

3. Đề bạt Terry Semel

Người thường có thể không biết đến nhân vật này. Nhưng trong ngành IT, nhiều người khẳng định "nhờ cậy" tới Terry Semel, cựu giám đốc studio của tập đoàn Warner Bros. là một trong những tính toán sai lầm của ban điều hành. Vào thời điểm đó, Yahoo cũng đang lận đận sau cú sốc vỡ quả bong bóng dot.com, và Semel được "điều động" để vực lại hãng. Nhưng Semel chỉ nương theo cơn sóng phục hồi mạnh mẽ của cả ngành công nghiệp, mà các hãng khác như Google đang dẫn đầu. Semel thậm chí còn từ chối mua lại Google, để cùng lúc đổ tiền của vào nền tảng truyền thông vốn đã bình ổn. Nhân viên Yahoo cũng từ chối bình luận về vấn đề này: "Anh nên hỏi phát ngôn viên báo chí thì hơn".

4. Lỡ dịp ở cùng nhà với DoubleClick

Bỏ lỡ dịp mua lại hãng quảng cáo trực tuyến DoubleClick là đối sách sai lầm nữa của Yahoo. DoubleClick không chỉ là hãng kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Hệ thống dịch vụ của DoubleClick có nhiều tính năng bổ sung rất tốt cho mạng lưới quảng cáo của Yahoo, vốn là lợi thế hiếm hoi trong cuộc đấu sống còn của hãng với Google. Nhưng rồi Yahoo chậm chân, để Google nhanh tay "nẫng" mất DoubleClick với giá "ngất ngưởng" 3,1 tỉ đô, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Khi được hỏi, nhân viên Yahoo cũng tránh né trả lời "Tôi không biết. Tôi không ở vị trí có thể đưa ra kết luận"

5. Tiếp tục "hụt" chuyến phà cùng Microsoft

Có lẽ sai lầm nghiêm trọng nhất của Yahoo là từ chối quá nhanh, quá thẳng thừng lời đề nghị mua lại của Microsoft. Cuộc thương thảo nhùng nhằng trong nhiều tháng rút hết "sinh lực" của Yahoo, mở đường cho tỉ phú Carl Icahn chen chân vào ban giám đốc. Giám đốc, đồng sáng lập Yahoo Jerrry Yang buộc phải tuyên bố từ nhiệm cũng do hệ quả của sai lầm này. Bản thân nhân viên Yahoo không chối bỏ, nhưng cũng không thừa nhận, như một người trả lời: "Quá khó để biết". Từ chối Microsoft, Yahoo quay sang ôm chiếc phao Google, thành lập liên minh quảng cáo. Tiếc thay, Google lạnh lùng "bỏ rơi" Yahoo sau khi kết luận "liên minh này quá rắc rối về mặt pháp lý!"

Mọi sai lầm kể trên có thể tóm tắt trong từ "thiếu quyết đoán". Như một nhân viên thẳng thừng đổ lỗi cho ban giám đốc: "Văn hoá "thiếu quyết đoán" sinh ra bởi các tay ngồi trên cao. Nhiều nhân viên Yahoo đang nỗ lực hết mình để xoay chuyển tình thế". Vài người khác nhận xét tình thế hiện nay do đối thủ của Yahoo quá mạnh, như Google và MySpace. Nhưng không phải ai cũng bi quan: "Chúng tôi vẫn có khả năng cạnh tranh, nhất là nhờ Yahoo! Mail và Finance".

Hoàng Hải
Theo Forbes