5 điều “được, mất” của Google Chrome OS
(Dân trí) - Ngay sau khi vừa ra mắt, Chrome OS đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới công nghệ. Các chuyên gia lập tức bắt tay vào “mổ xẻ” hệ điều hành này. Và dưới đây là 5 thế mạnh và điểm yếu của Chrome OS.
5 ưu điểm vượt trội của Chrome OS
Không có các ứng dụng cài đặt và không bị giới hạn về phần cứng, hệ điều hành sẽ không phải mất thời gian để kiểm tra danh sách các thiết bị và driver, load chương trình vào bộ nhớ… Điều này cũng tương tự như khi bạn mở TV.
2. Tính bảo mật cao: Chrome OS sẽ được chứa trên những phần chỉ được phép đọc của bộ nhớ. Những phần còn lại của hệ điều hành sẽ hợp nhất với trình duyệt Chrome, và giống như trình duyệt, quá trình cập nhật bảo mật của hệ điều hành không yêu cầu phải khởi động lại hệ thống.
Chrome OS có thể chạy nhiều ứng dụng web khác nhau trên nhiều tab của trình duyệt, và mỗi tab sẽ được khóa riêng biệt với các tab khác để đảm bảo dữ liệu trên các ứng dụng không “xâm phạm” lẫn nhau.
Trong khi đó, dữ liệu người dùng sẽ được chứa trên máy và sẽ được mã hóa. Toàn bộ các dữ liệu khác sẽ được chứa trên “đám mây”. Các tùy chọn và thiết lập người dùng sẽ được đồng bộ hóa với tài khoản “đám mây”, vậy nên trong trường hợp người dùng bị mất máy tính hoặc hư hỏng, họ vẫn có thể đăng nhập vào tài khoản “đám mây” để lấy lại dữ liệu và thiết lập chứa trên đó.
Google tự tin rằng hệ điều hành của mình sẽ không bị xâm phạm, bởi lẽ, muốn lấy cắp dữ liệu người dùng, hacker phải qua mặt được các chuyên gia bảo mật hàng đầu của Google. Một “nhiệm vụ bất khả thi”.
3. Hỗ trợ cho cả cấu trúc x86 và ARM: Google hứa rằng hệ điều hành của mình sẽ được viết để hoạt động trên cấu trúc vi xử lý x86 và ARM, 2 loại cấu trúc vi xử lý thông dụng nhất hiện nay dành cho netbook.
4. Menu ứng dụng: Chrome OS sẽ dành riêng 1 tab để chứa danh sách các ứng dụng. Điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các ứng dụng mới. Người lập trình cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm cách thức đặt chúng vào menu sao cho hợp lý.
Menu ứng dụng của Chrome OS
5. Cách thức đặc biệt hỗ trợ Microsoft Office: Nếu đặt câu hỏi nào liên quan đến Microsoft cho Google, bạn sẽ được nghe các câu trả lời rập khuôn và sáo rỗng. Nhưng Chrome OS đã mang đến một trải nghiệm mới khi cho phép người dùng xử lý tài liệu thông qua ứng dụng Microsoft Office Live, ứng dụng văn phòng trực tuyến miễn phí của Microsoft. Nếu người dùng click lên file định dạng văn bản của bộ Office (như Word hay Excel…), Chrome sẽ mở ứng dụng Office Live thông qua trình duyệt. Có lẽ đây là lần hợp tác hiếm hoi giữa 2 “gã khổng lồ”.
Tuy nhiên, Chrome OS vẫn còn một vài nhược điểm cần phải khắc phục trước khi chính thức “xuất xưởng”:
1. “Mập mờ” trong vấn đề làm việc offline: Với việc áp dụng “điện toán đám mây”, cách duy nhất để có thể làm việc với các ứng dụng và dữ liệu offline là khi người lập trình viết nên các ứng dụng hỗ trợ làm việc ngoại tuyến, nhưng dĩ nhiên phải nhận được sự hỗ trợ bởi Chrome OS.
Google vẫn còn lập lờ chưa nói rõ điều này sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng chắc hẳn rằng nó sẽ được thực hiện thông qua Google Gears. Gears là cách thức được sử dụng bởi các ứng dụng của Google, cho phép người dùng truy cập ứng dụng khi không kết nối Internet.
2. Các ứng dụng của Android không thể chạy trên Chrome OS: Mặc dù các ứng dụng của Android có thể download được trên Chrome OS, nhưng chúng lại không tương thích để hoạt động trên hệ điều hành này.
3. Không có tùy chọn để thay đổi trình duyệt mặc định: Chrome là trình duyệt được tích hợp sẵn trong Chrome OS. Nếu bạn yêu thích Firefox, IE hoặc một trình duyệt nào khác thì rất tiếc bạn cũng không thể làm gì được để thay thế trình duyệt mặc định.
Tuy nhiên, Chrome OS là hệ điều hành mã nguồn mở, do vậy, Mozilla hoặc Microsoft hoặc một ai đó có thể can thiệp vào mã nguồn của Chrome OS, thiết kế lại và thay thế trình duyệt mặc định khác. Chúng ta cùng hy vọng vào tương lai.
4. Không chắc chắn về các plugin và cách thức để người dùng thay đổi thiết lập: Google sẽ tập trung vào giao thức mới HTML 5 cho Chrome OS, giúp để tiêu chuẩn hóa lại các định dạng media trên web. Điều này sẽ giúp cho người dùng không cần phải download thêm các plugin không cần thiết như Adobe Flash hoặc Microsoft Silverlight. Tuy nhiên, ngày nay chỉ mới có một vài website sử dụng dụng HTML 5.
Google hứa rằng khi Chrome OS được ra mắt, nó chắc chắn sẽ được hỗ trợ Flash, nhưng lại lảng trách khi được hỏi liệu Chrome OS có hỗ trợ Silverlight hay không, và chỉ bật mí rằng tất cả các plugin, widget, applet… đều được chứa trên cùng một “đám mây”.
5. “Mạo hiểm” khi sử dụng máy tính cài đặt Chrome OS: Nhiều người vẫn hoài nghi về mức độ thực tiễn của máy tính sử dụng Chrome OS, và xem nó như là một thiết bị dành riêng cho website, và đặt câu hỏi liệu nó có thực sự hữu dụng cho người dùng trong mọi trường hợp? Đặc biệt, khi mà đường truyền Internet ở một số nơi không ổn định, thậm chí không thể kết nối Internet, thì liệu người dùng có dám “mạo hiểm” để mua một thiết bị mà không phải lúc nào cũng có thể sử dụng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Liệu có mạo hiểm khi sử dụng máy tính cài đặt Chrome OS?
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là bước đầu. Vẫn còn một thời gian khá dài trước khi Chrome OS chính thức ra mắt, và hãy đợi đến lúc đó để xem Google đã làm được gì để thay đổi “con cưng” của mình cho phù hợp và tiện lợi hơn.
Phạm Thế Quang Huy