5 điểm nhấn của thị trường di động Việt trong năm 2015

(Dân trí) - Thị trường di động Việt năm qua đã có những sự thay đổi lớn, thương hiệu Việt đang có sự giảm sút về mặt thị phần, thậm chí có một hãng thương hiệu Việt đã rời bỏ thị trường. Bên cạnh đó là sự tấn công ồ ạt của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới về thị trường này trong năm 2015.

Người Việt lựa chọn smartphone giá rẻ và tầm trung

5 điểm nhấn của thị trường di động Việt trong năm 2015 - 1

Dựa trên những thống kê hàng tháng của các nhà bán lẻ lớn trong năm 2015, hầu hết điện thoại bán chạy nhất trong 6 tháng đầu năm có đến 6-7 sản phẩm tầm trung và giá rẻ. Riêng với 6 tháng cuối năm, con số này tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong top 10 sản phẩm bán chạy có đến 8, 9 sản phẩm. Thậm chí tháng 11, có đến 10 sản phẩm đều ở phân khúc giá rẻ.

Cũng theo thống kê từ IDC tính đến hết quý II năm nay, tổng số điện thoại bán ra thị trường 6,5 triệu chiếc (bao gồm smartphone và điện thoại phổ thông). Trong đó, smartphone chiếm 51% với 3,3 triệu chiếc. Đây cũng là quý đầu tiên cho thấy sự thay đổi về thị phần khi smartphone đã vượt qua điện thoại phổ thông tại Việt Nam, tăng trưởng so với con số 39% trong quý II/2014. Đồng thời, IDC cũng cho biết, trước đây ở thị trường smartphone Việt Nam, những thương hiệu Việt (local Brands) và những thương hiệu nhỏ, họ tập trung vào giá của sản phẩm, giá càng thấp càng tốt để chiếm thị phần. Tuy nhiên, hiện giờ, Samsung, Oppo hay thậm chí là Huawei đánh vào mức giá thấp hơn. Điều này mang đến cho người dùng nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm tốt với mức giá rẻ và họ sẵn sàng chuyển đổi để lên smartphone.

Theo như nhận định chung qua các tháng, đại diện từ các nhà bán lẻ đều cho rằng: "Smartphone giá rẻ trong năm 2015 khác biệt nhiều hơn so với những năm trước đây. Máy không còn quá yếu và ít hỗ trợ tính năng như trước mà hầu hết đều đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng. Từ học tập cho đến làm việc. Đồng thời giá ngày càng rẻ với sự gia nhập của nhiều thương hiệu, giúp cho phân khúc này ngày chiếm được nhiều tình cảm của người dùng."

Thương hiệu Việt đang sụt giảm thị phần

Trong báo cáo của IDC, điện thoại thương hiệu Việt đã có sự giảm sút khi so với những năm trước đó. Trong quý II, smartphone của thương hiệu Việt đã giảm xuống chỉ còn chiếm 7% thị phần, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của IDC, thị phần này sẽ không tăng trưởng trong thời gian tiếp theo. Dự báo đến 4 năm tiếp theo, thị phần của các thương hiệu của Việt Nam (local Brands) sẽ vẫn giữ ở mức này và có tăng cao lắm chỉ có thể nhích lên con số 12% thị phần.

Ngoài ra, trong năm nay tại Việt Nam, một thương hiệu Việt là HKPhone cũng âm thầm khai tử sau 2 năm tấn công thị trường trong nước với các smartphone giá rẻ, cấu hình mạnh.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam chỉ còn một số thương hiệu Việt lớn là Mobiistar, Q-mobile, Bkav, Viettel...

Sự tấn công của điện thoại Trung Quốc và hàng loạt thương hiệu lớn

Các sản phẩm đến từ Trung Quốc có giá rẻ và cấu hình cao
Các sản phẩm đến từ Trung Quốc có giá rẻ và cấu hình cao

Sự giảm sút của thương hiệu Việt cũng bị ảnh hưởng lớn từ các thương hiệu Trung Quốc khi tấn công rất mạnh mẽ vào thị trường Việt trong năm nay.

Ngay trong 2015, hàng loạt hãng có tiếng ở Trung Quốc đã ồ ạt về Việt Nam. Trong đó, có thể kể tên như: Gionee, Meizu, Huawei, Coolpad, ZTE, Infinix... Chưa kể các thương hiệu khác như Phillips, Obi hay Motorola... cũng mang các sản phẩm giá rẻ về Việt Nam.

Theo như đại diện Motorola đã từng nói, thị trường Việt Nam rất là trẻ, tốc độ phát triển nhanh và khả năng tiếp cận công nghệ cũng rất nhanh. Đó cũng là những đối tượng người dùng mà hãng nhắm tới. Hơn thế, theo như báo cáo của IDC, trong năm 2015, sản lượng 14 triệu máy sẽ được tiêu thụ hết tại Việt Nam. Dự báo đến năm 2016, sản lượng sẽ tiếp tục tăng, khoảng 18 triệu máy. Như vậy, có thể thấy được sức hút khá lớn từ thị trường này.

Cũng theo đại diện từ nhà bán lẻ FPT Shop cho biết: "Tháng 10 tại FPT Shop đánh dấu cuộc đua mạnh mẽ của hàng loạt smarphone tầm trung từ nhiều thương hiệu như Coolpad, Lenovo, Huawie, Samsung. Đáp ứng “cơn khát” của người dùng trong việc lựa chọn điện thoại có giá cả phải chăng nhưng lại đáp ứng được hầu hết các nhu cầu giải trí và tiện ích mở rộng, các sản phẩm mới như Lenovo Phaplus, Galaxy J2, Coolpad Shine… đều tập trung hướng theo những tiêu chí trên. Có thể thấy, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vẫn đang là “miếng bánh” hấp dẫn với sự vào cuộc của hàng loạt hãng lớn và hãng đến từ Trung Quốc trong thời gian gần đây."

Bphone - Một phút huy hoàng

5 điểm nhấn của thị trường di động Việt trong năm 2015 - 3

Mặc dù thương hiệu Việt trong năm qua khá ảm đạm nhưng trong bức tranh thương hiệu Việt - Bphone nổi lên như một hiện tượng, dù không lâu nhưng nó rất huy hoàng.

Có thể nói, Bkav đã rất thành công về mặt truyền thông sản phẩm, nó ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác. Ngay từ khi "ló dạng" ở CES tại Mỹ, thông tin về Bphone ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của người dùng Việt. Những bài viết liên quan đến hình ảnh rò rỉ, thông tin của Bphone luôn chỉ được hé mở rất ít nhưng đạt lượt xem rất cao, chưa kể những góp ý dày đặc, khen rất nhiều mà chê cũng không kém.

Tuy nhiên, ngày chính thức ra mắt, Bphone định hình quá cao với mức giá mà người dùng khó có thể với tới. Chưa kể các tính năng chưa được hoàn thiện, mắc phải một số lỗi cơ bản... và chỉ bán online với nhiều lần trễ hẹn. Điều này càng làm cho sản phẩm tụt dần và không thu hút được người dùng Việt. Dù sao, những bước đi đầu tiên của hãng đã phần nào chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và chúng ta sẽ chờ đợi cho các phiên bản Bphone trong năm 2016 với những sự thay đổi.

iPhone khóa mạng Nhật gây sốt

Ngoài những điểm nhấn trên, năm qua thị trường di động Việt cũng chứng kiến cảnh tượng các cửa hàng nhỏ lẻ nhập iPhone khóa mạng của Nhật và chào bán ở mức giá vô cùng rẻ.

Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đến nửa tháng (bắt đầu từ tháng 4), từ khóa iPhone 5C Nhật tràn lan khắp mặt báo và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ khóa “hot” đến nỗi đi đâu cũng nghe, cũng thấy… ít nhất một ngày, lướt vòng qua Facebook cũng có đến 3, 4 trang chào bán iPhone “lock” Nhật Bản với giá bán hấp dẫn, từ 3,5 triệu đồng trở lên.

Mặc dù cung rất nhiều nhưng lượng cầu cũng vô cùng lớn. Khảo sát nhiều ở các cửa hàng nhỏ lẻ tại TPHCM đều cho thấy, máy luôn trong tình trạng cháy hàng, thậm chí nhiều người còn phải đặt cọc tiền lại để chờ đợt hàng tiếp theo.

Điều này cũng dễ hiểu khi, giá bán của iPhone 5c, 5 và cả 5s phiên bản khóa mạng Nhật có mức giá khá hấp dẫn khi so với hàng quốc tế cũ đã qua sử dụng. Cụ thể hơn, 1 phiên bản iPhone 5c khóa mạng Nhật đang chào bán với mức 3,5 triệu đồng dành cho phiên bản 16 GB, trong khi đó, để mua 1 chiếc iPhone 5c quốc tế đã qua sử dụng phải mất đến 4,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, những chiếc iPhone đến từ Nhật Bản đang chiếm ưu thế hơn vì khả năng tích hợp SIM ghép để mở khóa dễ dàng và người dùng có thể sử dụng ngay lập tức. Chính điều này đã giúp cho dòng máy này đang tạo ra cơn sốt tại Việt Nam trong thời gian qua.

Phan Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm